Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển tổ chức công đoàn bền vững

Linh Chi| 03/01/2018 07:57

(HNM) - Vượt qua nhiều khó khăn, các cấp công đoàn Thủ đô thời gian qua đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là một trong 4 đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Mấu chốt của thành công là phải làm cho người lao động tin tưởng, phát triển tổ chức công đoàn bền vững.


Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phạm Bá Vĩnh cho biết, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố đã xây dựng chương trình đặt mục tiêu phấn đấu kết nạp ít nhất 170.000 đoàn viên, thành lập mới 2.000 công đoàn cơ sở.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu của tổ chức công đoàn, Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở của Liên đoàn Lao động thành phố và các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền. Trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 1.600 cuộc tuyên truyền về pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội… tới 2,5 triệu lượt người lao động; in và phát hành hàng triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật đến các công đoàn cơ sở, chủ doanh nghiệp, người lao động.

Hằng năm, Liên đoàn Lao động phối hợp với UBND thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với công nhân, lao động, cán bộ công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố còn chỉ đạo thí điểm áp dụng một số mô hình mới nhằm đa dạng các hình thức thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn. Cụ thể, đã thành lập 7 nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập tại Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Sơn Tây, Phúc Thọ và Thanh Trì.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, để thực hiện được chỉ tiêu được giao, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng nắm chắc tình hình doanh nghiệp ngoài nhà nước để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; giao chỉ tiêu cụ thể và có cơ chế thưởng phạt cho công đoàn cơ sở khối xã, thị trấn. Nhờ đó, đơn vị đã thành lập được 94/83 công đoàn cơ sở (đạt 118% kế hoạch), kết nạp 6.195/5.800 đoàn viên (đạt 106,8% kế hoạch).

Tương tự, Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân cũng quan tâm sát sao công tác chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Đơn vị cũng chủ động phối hợp với UBND quận, ban hành kế hoạch liên tịch chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở, nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể để nâng cao đời sống người lao động... Nhờ đó, Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Theo báo cáo, từ năm 2013 đến nay, vượt qua nhiều khó khăn do số các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể nhiều, các cấp công đoàn thành phố đã phát triển được 255.000 đoàn viên, đạt 149,84% chỉ tiêu; thành lập được 2.471 công đoàn cơ sở, đạt 123,55% chỉ tiêu (có 66 công đoàn cơ sở thành lập theo Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam với 2.854 đoàn viên). Trong đó đã phát triển được 231.470 đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chiếm 83,81% tổng số đoàn viên kết nạp mới.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Công đoàn thành phố cần tiếp tục làm thật tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi, làm cho người lao động tin tưởng tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, Công đoàn thành phố cần triển khai kịp thời các chương trình nâng cao phúc lợi đoàn viên, giúp người lao động nhận rõ vai trò của tổ chức công đoàn mà tự nguyện gắn bó. Đó chính là phương pháp phát triển tổ chức bền vững nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển tổ chức công đoàn bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.