Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch Hà Nội: Để du khách “không thể không mua”...

Minh An| 16/11/2018 06:43

(HNM) - Một trong những nguyên nhân khiến ngành Du lịch Thủ đô “băn khoăn” là chi tiêu mua sắm sản phẩm lưu niệm của du khách còn hạn chế.

Những vườn chè tại Ba Vì sẽ hấp dẫn du khách nếu được quảng bá nhiều hơn.


Tiềm năng lớn

Cách đây hơn một tháng, đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội đã đến làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên). Tất cả ngỡ ngàng khi biết sản phẩm chế tác tại đây đã được xuất sang thị trường Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản..., đem lại thu nhập khá cho người dân. Thế nhưng, ngay tại Hà Nội, không có nhiều người biết đến làng nghề này. Nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia đoàn khảo sát lúc đó mới biết rằng, Hà Nội có một làng nghề thú vị đến thế.

Vài tháng trước, Sở Du lịch Hà Nội có chuyến khảo sát tại huyện Thường Tín, đã đến làng nghề sơn mài Hạ Thái. Cũng là sự ngỡ ngàng của nhiều thành viên trong đoàn khi biết sản phẩm ở đây được nhiều cơ quan, đơn vị tại Hà Nội ưa chuộng, thường đặt làm quà khi tiếp khách. Thế nhưng, người làng nghề chưa tính tới việc xây dựng sản phẩm phục vụ khách du lịch, một phần bởi họ chưa được định hướng làm du lịch làng nghề, phần khác do công tác truyền thông về làng nghề còn hạn chế.

Có thể thấy, điều tương tự trong câu chuyện ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Người Ba Trại nói rằng thổ nhưỡng nơi đây hợp với việc trồng chè, khi được Nhà nước khuyến khích đầu tư trồng theo công nghệ sạch thì cây chè ở đây càng có giá. Cứ vào chiều tối, người dân đóng gói chè xong là có doanh nghiệp đến nhận hàng, nhiều lúc sản xuất không kịp. Điều đáng tiếc là chè Ba Trại đôi khi được xuất đi nhưng lại dưới thương hiệu khác. Hiện trong xã mới có một trang trại phục vụ du khách đến trải nghiệm việc trồng và chế biến chè nhưng hiếm có người nào đến với mục đích ban đầu là du lịch trải nghiệm kết hợp mua chè Ba Trại…

Hà Nội hiện có hơn 1.300 làng nghề, đủ tạo nên sức hấp dẫn khiến du khách vui vẻ tăng chi tiêu mua sắm. Tiềm năng về sản phẩm du lịch đặc thù tại các làng nghề không nhỏ, nhưng điều quan trọng là biết cách quảng bá, xây dựng thương hiệu để khách biết đến nhiều hơn.

Phải có cách “gột nên hồ”

Tại hội thảo “Du lịch với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức mới đây, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thị Xuân Mai cho hay, năm 2017, tại Việt Nam, mức chi tiêu trung bình của một lượt khách du lịch quốc tế là 1.141,5 USD. Trong số này, chi phí lưu trú, ăn uống, đi lại là 803,7 USD (chiếm 70,4%); số tiền mua hàng hóa chỉ là 135,4 USD (11,9%) - con số này tại Thái Lan là 25%, tại Singapore là 18%.

Lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2017 chiếm 27,7% so với cả nước nhưng tổng thu từ khách du lịch chỉ chiếm 13,89%. Nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó có việc du lịch Hà Nội còn thiếu dịch vụ hỗ trợ để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Thực tế, trên địa bàn thành phố còn thiếu sản phẩm du lịch và hoạt động trải nghiệm thú vị tại các điểm đến, nhất là làng nghề.

Để khắc phục tình trạng này, ngành Du lịch Thủ đô đang tổ chức lựa chọn thiết kế một số mẫu sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng của hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Các tuyến phố chuyên doanh hàng đông nam dược Lãn Ông, tơ lụa Hàng Gai, kim hoàn Hàng Bạc… hình thành ngày càng rõ nét. Với tiềm năng tốt này, ngành Du lịch Thủ đô đã hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch bằng cách tổ chức các hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ để cho du khách biết tới... Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ so với yêu cầu tăng tính tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách tại các điểm đến, tạo ra sản phẩm đặc sắc để khách dễ dàng lựa chọn, mua sắm.

Trong một cuộc tọa đàm về du lịch Ba Vì gần đây, ông chủ của Khu du lịch Long Việt (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) Lê Trung Tuấn nhận định, có nhiều sản phẩm có thể khiến khách lựa chọn Ba Vì làm điểm nghỉ dưỡng, trong đó có chè Ba Trại, sữa tươi Ba Vì, gà chín cựa liên quan đến sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh... Theo ông Lê Trung Tuấn, phải đem vào mỗi đặc sản một câu chuyện có tính văn hóa sâu sắc.

Ông Lê Trung Tuấn khẳng định có thể đưa thương hiệu chè Ba Trại phát triển nhanh và mạnh như chè Thái Nguyên trong vòng 3 năm. Lúc đó, khách đến Ba Vì là nghĩ ngay đến chè Ba Trại và không thể không mua sản phẩm, như nhiều người từng muốn đến và muốn mua sữa bò, sữa dê Ba Vì. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cũng chia sẻ điều này và cho rằng, cần đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm để thu hút du khách, tăng nguồn thu cho hoạt động du lịch.

Sản phẩm du lịch chỉ là một khâu trong hành trình thu hút du khách tại một điểm đến. Ở đó, còn nhiều yếu tố khác như hạ tầng, điều kiện về giao thông, các dịch vụ ăn, nghỉ, chất lượng phục vụ... Đặc biệt, tính chuyên nghiệp, sự bài bản trong cách xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm là phần việc không thể coi nhẹ. Không làm tốt việc này thì không thể “gột nên hồ” dù “bột” đã có sẵn, để ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch Hà Nội: Để du khách “không thể không mua”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.