Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo

Nguyễn Thanh| 21/04/2023 06:18

(HNM) - Tính từ thời điểm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), tháng 10-2023 sẽ là lần đầu tiên Thủ đô Hà Nội thực hiện báo cáo giám sát tư cách thành viên theo chu kỳ 4 năm/lần. Có thể thấy, nhiều đầu việc đã được triển khai hiệu quả trong 4 năm qua, song còn không ít nội dung gặp khó khăn, thách thức, cần sớm có giải pháp thúc đẩy để “về đích” đúng hạn theo cam kết của Hà Nội với UNESCO.

Trình diễn thời trang tại chương trình “Nghệ thuật công cộng Phúc Tân” (quận Hoàn Kiếm).

Khí thế sáng tạo ngấm đến từng góc phố, người dân

Xác định đặt sáng tạo văn hóa và phát triển nguồn lực văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển bền vững, kể từ khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến nay, Hà Nội đã luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển; thực hiện có hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO.

Theo đó, với 6 sáng kiến đề cử trong hồ sơ đăng ký, gồm: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội; Chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội; Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á; Mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ, Hà Nội đã từng bước hoàn thành nhiều phần việc thông qua các hoạt động phong phú, nhằm gắn kết cộng đồng, từng bước xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Nổi bật là lễ hội thiết kế sáng tạo được tổ chức thường niên quy tụ nhiều hoạt động khơi nguồn, dẫn dắt tư duy sáng tạo mới lạ và hấp dẫn; các cuộc thi: “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”… góp phần huy động sự tham gia của giới trẻ, từ đó hình thành nên Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ như cam kết.

Cùng với đó, Hà Nội cũng có nhiều chương trình, hành động hỗ trợ phát triển các không gian sáng tạo ở thành phố, như: Tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm tham vấn sáng kiến, kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và phát triển các không gian văn hóa sáng tạo; xây dựng các không gian sáng tạo điểm đến trên cơ sở các thiết chế văn hóa hay các tuyến phố đi bộ, không gian văn hóa công cộng… Những chương trình và hoạt động này đưa Hà Nội trở thành nơi dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo.  

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, có thể thấy nhiều khởi sắc trong các hoạt động ở Hà Nội kể từ khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo đến nay. Các tuần lễ sáng tạo, lễ hội thiết kế sáng tạo, sự bùng nổ của các không gian sáng tạo… đang là điểm nhấn, thể hiện khí thế sáng tạo của Thủ đô đã len lỏi đến với từng góc phố, căn nhà, người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo ở Hà Nội cũng còn khó khăn, thách thức. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Văn Hoạt đánh giá, sản phẩm sáng tạo của Hà Nội đa phần còn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện bản sắc văn hóa một cách sống động. Các hoạt động sáng tạo ở Hà Nội so với các thành phố sáng tạo phát triển khác, còn khoảng cách khá xa. Hà Nội cũng chưa có trung tâm sáng tạo, megashow...

Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm “Di sản trong Thành phố sáng tạo Hà Nội” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Huy động nguồn lực văn hóa để phát triển

Để hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO, theo nhiều chuyên gia văn hóa, thời gian tới, thành phố cần có thêm nhiều giải pháp ưu tiên hơn nữa, các cơ chế, chính sách mới, phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng các không gian sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng, tạo ra sản phẩm tinh hoa, từ đó tạo nguồn lực mạnh mẽ để phát triển Hà Nội - Thủ đô sáng tạo đích thực.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định Hà Nội sở hữu đa dạng nguồn lực văn hóa nếu biết cách khai thác để phát huy hơn nữa nhiệt huyết này, thành phố không chỉ có cơ hội tốt hơn cho phát triển văn hóa, mà còn với tổng thể kinh tế - xã hội.

“Phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô Hà Nội, đi kèm với những giải pháp huy động nguồn lực văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả, là: Đổi mới, nâng cao nhận thức, tuyên truyền; hoàn thiện tổ chức bộ máy để huy động nguồn lực; hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực; tổ chức các sự kiện, hoạt động để huy động nguồn lực cho Thành phố sáng tạo”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Văn Hoạt đề xuất, để thực hiện các cam kết với UNESCO, cần cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.