(HNMO) - Sáng 1-12, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý”, nhằm trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các định hướng, khuyến nghị về xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý để phát triển các sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền Việt Nam”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cùng đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp tham dự hội nghị. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương. Chương trình là dự án ODA do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương là đơn vị trực tiếp triển khai theo phương thức quốc gia điều hành.
Là một hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ đặc sản vùng miền năm 2016, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và xem xét các mô hình thành công trong và ngoài nước để hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hàng nông sản và đặc sản vùng miền, cũng như xác định phương thức phát triển thị trường và gia tăng giá trị cho các sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, các chuyên gia cũng hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp các vấn đề về chỉ dẫn địa lý và hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản và vùng miền.
Hiện nay, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu vùng miền ngày càng được các cấp lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi lẽ đây là yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt, khi nước ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực. Việt Nam có nhiều sản vật được kết tinh từ truyền thống sản xuất nông nghiệp và văn hóa lâu đời của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc giới thiệu và trình bày những sản vất đặc trưng của các địa phương không chỉ giúp quảng bá những sản phẩm này vượt ra khỏi phạm vi một địa phương, vùng miền để đến với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ trên cả nước mà góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia và mở rộng sự nhận biết của cộng đồng quốc tế đối với sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
Thực tế, nâng cao nhận thức và hiểu biết của chính quyền cũng như doanh nghiệp tại địa phương về vai trò và lợi ích của hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương sẽ góp phần giúp các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển thị trường và thích ứng sản phẩm tốt nhất với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu trong điều kiện vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu ngày nay đã trở thành điều khoản bắt buộc trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang trở thành thành viên.
Bên cạnh ý nghĩa thương mại, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương cho sản phẩm còn là biện pháp bảo hộ tốt về mặt pháp lý để hỗ trợ cho XTTM trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua việc đảm bảo uy tín, chất lượng hàng hóa từ các vùng miền của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường thế giới. Làm tốt việc này sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời, hạn chế các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, nạn sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương được bảo hộ sẽ góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cũng như khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất, nông dân cùng nhau hợp tác hiệu quả hơn trong phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy vậy còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài….
Tồn tại trên có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, kỹ năng thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát, chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản.
Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, do đó để nâng cao giá trọ và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng.
Trong những năm qua, TP. Hà Nội luôn quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý như ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể như Sữa Ba Vì, Chè Ba Vì, Bưởi Diễn, Cốm làng Vòng, Giò chả Ước Lễ, Bánh cuốn Thanh Trì,…; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoải nước hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ, phối hợp với nhiều tỉnh thành trong cả nước tổ chức các chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội. Hầu hết các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương đã có mặt tại các kênh phân phối tại Hà Nội và được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích, tin dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.