Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm OCOP: Đừng để thành "bài toán khó"!

Đỗ Minh| 10/04/2023 06:35

(HNM) - Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương của thành phố Hà Nội tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu... Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát nhãn hiệu, thương hiệu chưa được một số chủ thể OCOP chú trọng dẫn đến mất chỗ đứng trên thị trường. Vì thế cần sự vào cuộc khẩn trương của các chủ thể OCOP cũng như lực lượng quản lý để việc này không trở thành bài toán khó với chính họ.

Mô hình chế biến rau, củ thành ống hút công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Hải Anh

Thương hiệu tạo ra giá trị

"Ống hút rau củ ECOS" của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) là một trong số ít những sản phẩm của Hà Nội được xếp hạng 5 sao. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng Lê Văn Tám cho biết, năm 2016, hợp tác xã đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất ống hút từ nguồn rau, củ, quả sạch được trồng theo hướng hữu cơ. Năm 2019, quy trình sản xuất ống hút từ rau, củ, quả mới được hoàn thiện, hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu "Ống hút rau củ ECOS" cùng các tiêu chuẩn đi kèm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. “Năm 2021, sản phẩm "Ống hút rau củ ECOS" được xếp hạng OCOP 5 sao và nhờ đó có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, ông Lê Văn Tám chia sẻ.

Tương tự, các sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thịt lợn sạch mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z” của Hợp tác xã Hoàng Long, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) được thị trường trong nước ưa chuộng, giúp hợp tác xã thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long thông tin, trang trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn sinh học; 100% sản phẩm bán ra được sơ chế, chế biến đóng gói mang thương hiệu "Chuỗi thực phẩm A-Z". Hiện tại, “Chuỗi thực phẩm A-Z" được xếp hạng 4 sao OCOP, tiềm năng đạt 5 sao.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá 2.167 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao; 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.369 sản phẩm 4 sao và 780 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, do thời hạn công nhận sản phẩm OCOP theo quy định là 36 tháng nên có 296 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 2019, đến nay đã hết hạn. Hiện tại, thành phố có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.162 sản phẩm 4 sao và 692 sản phẩm 3 sao.

“Cùng với đa dạng hóa sản phẩm OCOP, việc xây dựng thương hiệu, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP tiếp tục được quan tâm, không vì số lượng mà bỏ qua chất lượng…”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.

Cần nâng cao nhận thức

Mặc dù chương trình OCOP đã phát huy tác dụng song việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chưa được một số chủ thể OCOP chú trọng, quan tâm đúng mức.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm xếp hạng 4 sao vẫn coi nhẹ việc xây dựng thương hiệu, quản lý thương hiệu, dẫn đến tình trạng có hàng “nhái”, hàng không bảo đảm chất lượng mang thương hiệu của doanh nghiệp được bày bán trên thị trường. Một số sản phẩm OCOP đã mất chỗ đứng trên thị trường, do chủ thể không quản lý tốt nhãn hiệu, thương hiệu.

Còn theo Trưởng ban Điều phối Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS) Việt Nam Từ Tuyết Nhung, các chủ thể OCOP không để đứng ngoài việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu bởi đây là điều kiện tất yếu để phát triển bền vững. Hiện, nhiều sản phẩm 3 sao được xếp hạng chưa xây dựng được thương hiệu, cũng như chưa quản lý hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sau khi được cấp.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, để bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tham mưu thành phố thành lập các đoàn kiểm tra đối với chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên; đồng thời, xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chủ thể OCOP cần coi việc quản lý nhãn hiệu, thương hiệu là chiến lược phát triển kinh doanh bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương cần nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm.

“Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ; hỗ trợ các chủ thể nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm…”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm OCOP: Đừng để thành "bài toán khó"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.