Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Cần một “sàn giao dịch công nghệ quốc gia”

Thu Hằng| 15/12/2020 06:15

(HNM) - Hiện, thị trường khoa học và công nghệ bước đầu đã phát huy vai trò nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Song, công tác phát triển thị trường khoa học và công nghệ vẫn còn gặp những khó khăn. Do đó, việc xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển, nhất là phát triển các tổ chức trung gian, tạo sức bật trong lĩnh vực này, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là vô cùng quan trọng.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) phối hợp với các bên liên quan tổ chức phiên kết nối cung - cầu công nghệ, thiết bị cho 14 doanh nghiệp Hàn Quốc và hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam, ngày 11-12-2020.

Tổ chức trung gian chưa phát triển

Trong những năm qua, thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam đã gia tăng cả về quy mô và tốc độ phát triển. Các loại hình hàng hóa trên thị trường khoa học và công nghệ ngày càng đa dạng, phong phú; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được đẩy mạnh... Đáng chú ý, thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8-11-2013, đến nay đã có 25 sản phẩm được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (giai đoạn 2016-2020); 1.200 hợp đồng được ký kết với giá trị gần 1.000 tỷ đồng (giai đoạn 2015-2018)...

Tuy có sự phát triển nhất định, song thị trường khoa học và công nghệ vẫn thiếu tính đột phá. Các sàn giao dịch hoạt động kém hiệu quả. Các tổ chức môi giới chuyển giao công nghệ trong các trường đại học chưa thể hiện được vai trò trung gian kết nối cung - cầu... Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, tính đến ngày 30-11-2020, Sở đã cấp đăng ký hoạt động cho 665 tổ chức khoa học và công nghệ, khoảng 70% trong số này có đăng ký hoạt động “tư vấn chuyển giao công nghệ”. Tuy nhiên, theo báo cáo định kỳ hằng năm của các đơn vị gửi về không thấy kết quả hoạt động này. Số lượng cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BI), cơ sở ươm tạo công nghệ, tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) trên địa bàn thành phố còn ít.

Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, học viện chỉ chuyển giao được một số ít kết quả nghiên cứu, nên không thu được nhiều kinh phí để tái đầu tư cho khoa học. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để cải tiến sản phẩm hoặc làm ra một sản phẩm mới lại không biết tìm công nghệ ở đâu. Nguyên nhân là do, các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ chưa thực sự phát triển, vai trò chưa đủ mạnh, cũng như chưa thể hiện được chức năng kết nối cung - cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hoạt động sáng tạo...

Chung nhận định, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Thanh Hiếu cho rằng, quá trình triển khai Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13-6-2014 quy định về điều kiện thành lập, hoạt động tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ có nhiều vướng mắc, hầu như “không đi vào cuộc sống”. Hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ còn bất cập, chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng.

“Đây là "điểm nghẽn" mà lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu xử lý rất nhiều lần. Chính vì vậy, thời gian tới, cần những biện pháp mạnh cũng như triển khai đồng bộ, sàng lọc, đánh giá năng lực các tổ chức trung gian để triển khai các hoạt động hỗ trợ”, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm cho biết.

Hướng đến "sàn giao dịch công nghệ quốc gia"

Hội thảo “Giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tháng 9-2020.

Theo các chuyên gia khoa học và công nghệ, để tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy các tổ chức trung gian phát triển, hình thành mạng lưới các tổ chức đủ năng lực kết nối các chủ thể trên thị trường khoa học và công nghệ, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định về hoạt động của các tổ chức trung gian cũng như có các chính sách mới, đủ mạnh để hỗ trợ. Đặc biệt, cần hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức trung gian, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ cấp quốc gia; nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia công nghệ, dữ liệu các tổ chức trung gian chuyên nghiệp trên thị trường khoa học và công nghệ, hướng đến xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc gia để có thể tư vấn về công nghệ, pháp lý, hỗ trợ kết nối cung - cầu, hỗ trợ gọi vốn để hoàn thiện công nghệ, hỗ trợ đánh giá, định giá, giám định công nghệ...

Còn theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các tổ chức trung gian, tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ sâu rộng, mạnh mẽ hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, để nâng cao vai trò của các tổ chức trung gian trong việc tư vấn, môi giới, xúc tiến thương mại hóa khoa học và công nghệ, các tổ chức trung gian không chỉ do Nhà nước tạo ra, mà cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị khác và phải có chính sách phù hợp để hỗ trợ các tổ chức trung gian phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Cần một “sàn giao dịch công nghệ quốc gia”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.