Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thị trường công nghệ tại Hà Nội: Thiếu các định chế trung gian

Quỳnh Phương| 27/10/2015 04:54

(HNM) - Trong 5 năm qua, Hà Nội đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc đưa hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn gắn với việc phát triển thị trường công nghệ (TTCN). Để làm được điều này, Sở KH&CN Hà Nội đã có nhiều đề xuất và triển khai những giải pháp mang tính


Nhiều giải pháp đồng bộ

Những năm gần đây, công tác phát triển TTCN của thành phố đã được thực hiện tích cực trên cơ sở các nhóm giải pháp chính là kích cung - cầu công nghệ, thúc đẩy hoạt động mua bán, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện cơ chế chính sách và đổi mới trong quản lý hoạt động KH&CN. Để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển thị trường công nghệ, về cơ chế chính sách, theo Giám đốc Sở KH&CN Lê Xuân Rao, việc ban hành 17 văn bản liên quan đến KH&CN, điển hình là Chiến lược phát triển KH&CN thành phố đến năm 2020, Nghị Quyết số 04 của HĐND đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KH&CN và các nhà KH&CN tham gia thực hiện chương trình trọng điểm của Thủ đô… chính là cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động KH&CN, đẩy mạnh việc thương mại hóa sản phẩm.

Trưng bày các sản phẩm của Viện Khoa học và công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) tại Techmart 2015. Ảnh: Hoàng Linh



Do thị trường KH&CN có những yếu tố đặc thù nên vai trò của các tổ chức trung gian để kết nối, tư vấn, hỗ trợ giữa bên cung và bên cầu rất quan trọng. Hiện nay, các tổ chức trung gian như tổ chức dịch vụ về tư vấn, chuyển giao công nghệ, dịch vụ về thông tin KH&CN chưa phát triển, dẫn tới doanh nghiệp thiếu thông tin về năng lực nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của các trường, viện, tổ chức KH&CN. Ngược lại, các tổ chức KH&CN cũng thiếu thông tin về nhu cầu đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Để khắc phục hạn chế nêu trên, thời gian qua Hà Nội đã đặc biệt quan tâm tạo cầu nối giữa các đơn vị KH&CN với các doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: Tổ chức hội nghị ba nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp; tổ chức các chợ công nghệ và thiết bị, các hội thảo khoa học, các buổi trình diễn, giới thiệu công nghệ mới, công bố kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng… nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt được thông tin phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ.

Mặt khác, Sở KH&CN cũng quan tâm khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tìm, giới thiệu các tổ chức KH&CN có năng lực đáp ứng, từ đó kết nối giữa các bên. Ngoài ra, trong chiến lược phát triển KH&CN của Thủ đô, thành phố cũng đặc biệt quan tâm tới việc hình thành phát triển hệ thống các tổ chức dịch vụ KH&CN nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như tổ chức KH&CN.

Kết nối cung cầu

Trong 15 năm trở lại đây, các chợ công nghệ, thiết bị (Techmart) được tổ chức thường xuyên và bắt đầu có những giao dịch công nghệ trên mạng. Hà Nội đã tổ chức và tham gia hàng chục kỳ Techmart, hoạt động này đã thực sự trở thành cầu nối mật thiết giữa 3 nhà: Quản lý, khoa học và sản xuất. Qua Techmart, các đơn vị có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách hàng, đồng thời có dịp giao lưu, tiếp xúc với các đơn vị nghiên cứu cùng lĩnh vực để học hỏi, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm của đơn vị, hướng tới đích phục vụ thiết thực nhu cầu của cuộc sống.

Sau mỗi kỳ Techmart, Sở KH&CN phối hợp với Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN) duy trì Techmart Online để phục vụ nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân chưa có điều kiện đến chợ hoặc tìm hiểu về thiết bị, công nghệ, nhà cung cấp. Sở cũng tổng hợp và theo dõi kết quả triển khai các biên bản ghi nhớ, các hợp đồng đã được ký kết tại Techmart, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các bên thuận lợi, nhanh chóng trong việc thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ lập hồ sơ để được hưởng các chính sách ưu đãi sau khi thực hiện đổi mới công nghệ.

Bên cạnh việc định kỳ tổ chức các Techmart, Hà Nội đang đẩy nhanh việc xây dựng, hình thành các sàn giao dịch công nghệ thường xuyên. Hiện, Hà Nội đã đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên tại quận Tây Hồ với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng. Dự án được UBND thành phố phê duyệt đầu tư năm 2012, gồm 4 chức năng chính: Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị thường xuyên là nơi trưng bày, giao dịch công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước. Khu vườn ươm công nghệ là nơi hỗ trợ các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu cần hoàn thiện để hình thành các phát minh, sáng chế, các sản phẩm công nghệ có tính khoa học và thực tiễn cao. Khu đào tạo và hợp tác quốc tế về KH&CN thực hiện liên kết, hợp tác với đối tác có tiềm lực mạnh của nước ngoài, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Khu tin học và thông tin KH&CN thực hiện xây dựng, quản lý và cung cấp dữ liệu. Dự kiến công trình hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2016.

Với những nỗ lực trên, TTCN tại Hà Nội đã dần được tạo lập và phát triển, góp phần tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại hóa sản phẩm KH&CN, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tôn vinh năng lực và sức sáng tạo của đội ngũ KH&CN Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường công nghệ tại Hà Nội: Thiếu các định chế trung gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.