(HNM) - Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu trong việc phát triển nhà ở xã hội, với hàng nghìn căn hộ được đưa vào sử dụng, gồm cả loại hình nhà ở bán, cho thuê và thuê mua.
Đặc biệt, tại Đặng Xá (Gia Lâm) đã hình thành cả khu đô thị nhà ở xã hội, đồng bộ công viên, trung tâm thể thao, trường học... Theo kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020, TP Hà Nội xây dựng 4,6 triệu mét vuông nhà ở xã hội, gần 600.000m2 nhà ở cho công nhân thuê và khoảng 1 triệu mét vuông nhà ở cho học sinh, sinh viên.
Nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm). Ảnh: Hải Anh |
Những ngày cuối tháng 4-2015, dự án nhà ở xã hội Ecohome 2 tại Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư, đã được mở bán. Khác với Ecohome 1, lần này chủ đầu tư dành 204 căn hộ trong tổng số 863 căn hộ, để bố trí cho thuê; các căn còn lại được bán với giá dự kiến từ 13,5 đến 14,5 triệu đồng/m2. Tuy là nhà ở xã hội, nhưng các tòa nhà đều thiết kế tầng hầm để xe; tầng 1 có chức năng dịch vụ thương mại, sinh hoạt cộng đồng. Trước đó, một dự án nhà ở xã hội khác tại Khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì) cũng mở bán hai đợt. Đợt 1, có 274 căn hộ để bán, 68 căn hộ cho thuê, với diện tích 60-70m2; đợt 2, tổng cộng 263 căn hộ để bán, diện tích từ 46 đến 70m2.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội với nhiều hình thức đầu tư như bằng vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, đặt hàng xây dựng... Trong đó có những dự án quy mô lớn như Đặng Xá (Gia Lâm) do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư, cung cấp hơn 4.500 căn hộ, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, xã hội, công viên, trung tâm thể thao, thương mại, trường học... hình thành mô hình khu đô thị nhà ở xã hội. Dự án Tây Nam Linh Đàm do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) và Công ty BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, nằm trong tổng thể khu đô thị có vị trí "đắc địa" phía nam thành phố và trở thành "điểm nóng" của thị trường bất động sản. Hay mới đây, UBND thành phố đã chấp thuận cho Tổng công ty Viglacera liên danh với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) đầu tư 1.500 căn hộ nhà ở xã hội tại Khu đô thị Kim Chung (Đông Anh). Đây cũng là dự án nhà ở xã hội thu hút sự chú ý, bởi nằm cạnh trục đường cầu Nhật Tân - Nội Bài, trục đường đang được quy hoạch trở thành trục đô thị hiện đại phía bắc thành phố.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong hai năm 2013-2014, đã có 9 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, cung cấp 5.996 căn hộ, với tổng diện tích 474.000m2 sàn; 9 dự án được chấp thuận đầu tư, đang triển khai với tổng cộng 6.146 căn hộ, tương đương 546.000m2 sàn (chưa kể số dự án chấp thuận chủ trương đầu tư và dự án được nhà đầu tư đề xuất đang xem xét). Ngoài ra, liên ngành TP Hà Nội đã xem xét chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội 19 dự án, với tổng căn hộ 11.824 căn. Dự kiến, năm 2015, Hà Nội hoàn thành hơn 200.000m2 loại hình nhà ở này. Nói về chủ trương phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, Hà Nội luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Những doanh nghiệp làm tốt, có nhiều dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, thành phố sẽ mời đầu tư, giao dự án mới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu trong phát triển nhà ở xã hội, trong đó mô hình khu đô thị nhà ở xã hội Đặng Xá cần được nhân rộng ở các địa phương trong cả nước. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương có ý nghĩa nhân văn, góp phần từng bước tạo lập chỗ ở cho các đối tượng khó khăn trong xã hội, đáp ứng nhu cầu ở thực của thị trường, nhưng cũng là giải pháp có ý nghĩa tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, khắc phục mất cân đối cung - cầu, từ đó giảm dần tồn kho.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, vấn đề của chương trình phát triển nhà ở xã hội là nhiều dự án cũng chịu tác động khi thị trường "đóng băng", chủ đầu tư gặp khó khăn, mặc dù đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép đầu tư nhưng chậm triển khai. Trong đó, có những dự án quy mô lớn như Bắc An Khánh (Hoài Đức), hơn 5.000 căn; Thanh Lâm - Đại Thịnh (Mê Linh) khoảng 1.500 căn hộ...
Ngoài ra, nhiều dự án chủ đầu tư cam kết hoàn thành sau năm 2015 hoặc chậm tiến độ, nên so với kế hoạch, diện tích nhà ở xã hội đứng trước nguy cơ bị thiếu nếu không đôn đốc quyết liệt. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì cùng các ngành rà soát, định kỳ hằng tháng, hằng quý báo cáo UBND thành phố tiến độ triển khai. Trước mắt, sở, ngành, địa phương tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sớm đưa dự án vào triển khai, đề xuất bổ sung dự án mới để bảo đảm chỉ tiêu phát triển nhà ở. Mặt khác, đối với chủ đầu tư chậm tiến độ đề nghị không tiếp tục giao dự án mới; thu hồi những dự án đã giao đất nhưng để quá thời hạn theo quy định của Luật Đất đai. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý các chủ đầu tư phải có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật - xã hội cụ thể, bảo đảm đồng bộ với nhà ở.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội, năm 2015, Hà Nội phát triển khoảng 812.000m2 nhà ở xã hội, hơn 95.000m2 nhà ở công nhân thuê, khoảng 60.000m2 nhà ở sinh viên. Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội tiếp tục phát triển khoảng 4,6 triệu mét vuông nhà ở xã hội, khoảng 600.000m2 nhà ở công nhân và khoảng 1 triệu mét vuông nhà ở sinh viên. Diện tích nhà ở này được phát triển đều theo từng năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.