(HNM) - Ngày 8-7, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu hạn chế tối đa phát triển mới nhà chung cư trong khu vực nội thành; tăng tỷ trọng nhà ở có giá cả hợp lý với khả năng chi trả của đa số người dân. Các khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hướng tới bảo đảm tính bền vững.
Phát triển chưa đồng đều
Thông tin về kết quả Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến hết năm 2020, thành phố đã phát triển mới 49,67 triệu mét vuông sàn nhà ở, đưa tổng diện tích sàn nhà ở trên toàn thành phố đạt khoảng 224,73 triệu mét vuông; diện tích bình quân đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu chương trình đề ra (khoảng 26,3m2/người). Theo đó, thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở và góp phần cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở tại Hà Nội chưa đồng đều giữa các phân khúc. Diện tích sàn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên, nhà ở tái định cư hoàn thành đạt tỷ lệ thấp so với tổng diện tích sàn nhà ở đã hoàn thành. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, đối tượng chính sách thiếu hụt khoảng 3,4 triệu mét vuông; nhà ở cho công nhân thiếu hụt khoảng 567 nghìn mét vuông; nhà ở tái định cư thiếu hụt khoảng 828 nghìn mét vuông... so với mục tiêu. Chỉ có nhà ở thương mại vượt mục tiêu, song chưa đồng đều nếu xét theo địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, thời gian qua, chung cư thương mại được phát triển tập trung tại khu vực các quận nội thành, làm dân số tăng nhanh, đã tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gây ùn tắc giao thông... Ngược lại, ở khu vực ngoài trung tâm, nhiều dự án nhà ở thấp tầng hình thành không tạo sức hút giãn dân từ khu vực trung tâm ra ngoài, chưa kể nhiều dự án bỏ hoang, không được sử dụng gây lãng phí quỹ đất. Lý giải nguyên nhân, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, bên cạnh những vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật về phát triển nhà ở (Luật Nhà ở, Luật Đầu tư), hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đi trước so với phát triển các dự án xây dựng nhà ở, khiến các dự án ở khu vực ngoài trung tâm kém hấp dẫn. Ngoài ra, cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội khu vực ngoại thành; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu hụt...
Phát triển đa dạng nhà ở
Tại Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, thành phố Hà Nội xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với định hướng phát triển đô thị. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; tập trung đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, trên địa bàn các quận trong khu vực nội đô lịch sử sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư (trừ dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, tái định cư) để hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng. Các khu vực còn lại hạn chế phát triển nhà ở liền kề, thấp tầng và tăng tối đa nhà chung cư nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất. Các khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, hiện nay, Hà Nội đang gặp thách thức rất lớn về nhà ở, đặc biệt là việc cải tạo chung cư cũ, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhiều dự án phát triển nhà ở bị ách tắc nhiều năm nay, chưa thể triển khai. Việc Hà Nội thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội và động lực lớn phát triển Thủ đô trong 5-10 năm tới.
Để chương trình đạt mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, Hà Nội cần tập trung giải quyết 3 vấn đề chính. Một là, thúc đẩy các dự án phát triển nhà ở đang bị ách tắc lâu nay. Nếu vướng, thành phố không “gỡ” được thì cần đề xuất lên cấp trên, thậm chí cần thiết đưa ra cơ chế đặc thù. Hai là, cần dành quỹ đất và cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ba là, đẩy mạnh triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; trong đó thành phố cần có phương án bảo đảm hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà đầu tư có lời - Người dân có lợi - Thành phố đúng chủ trương quy hoạch. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 diện tích sàn nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 32m2 sàn/người; phát triển mới khoảng 5,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; 15,19 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại; 22,5 triệu mét vuông sàn nhà ở riêng lẻ. Tổng diện tích đất dự kiến xây dựng nhà ở trên địa bàn toàn thành phố khoảng 1.868ha. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.