(HNMO) - Nội dung số được nhắc đến nhiều trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Tuy chưa có một định nghĩa thống nhất về khái niệm này, nhưng nội dung số được coi là một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, có hàm lượng tri thức lớn, cũng như kỳ vọng lợi nhuận lớn.
Đó là nội dung chủ yếu được đề cập tại Ngày Internet 2016 (Internet Day) với chủ đề “Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế internet” do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 21-12.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thành Hưng cho biết, ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam đạt tăng trưởng 20%//năm trong giai đoạn 2014-2015, thu hút 4.500 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất và tạo điều kiện cho hơn 70.000 lao động. Đến nay, Việt Nam đã có một ngành công nghiệp nội dung số phong phú, trong đó có sản phẩm giáo dục, giải trí trực tuyến, nội dung cho thiết bị di động; có công ty lọt vào top 5 DN nội dung số lớn nhất Đông Nam Á (là VNG), đủ sức cạnh tranh và thâm nhập vào các thị trường trong khu vực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, nội dung số vẫn chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu thu nhập toàn ngành CNTT...trong khi đó ứng dụng sâu rộng của CNTT đã hình thành một nền kinh tế số “không biên giới” mang lại lợi nhuận giá trị cao. Vì vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh 3 vấn đề cần phải làm để phát triển ngành kinh tế số.
Thứ nhất, các DN viễn thông tập trung phát triển hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng viễn thông, ứng dụng các công nghệ mới hiện đại, chất lượng cao... là điều kiện quan trọng tạo nền tảng kinh tế số của Việt Nam. Các DN viễn thông cần thay đổi quan điểm phát triển dịch vụ của mình trong bối cảnh các dịch vụ truyền thống đã được các DN cung cấp dịch vụ OTT đưa về mức giá 0 đồng, dịch vụ VAS suy giảm...Vì vậy, thay vì cạnh tranh với các DN nội dung nhỏ lẻ, các nhà mạng hãy xây dựng một thị trường cạnh tranh trên chính nền tảng của mình, điều này sẽ mang đến cơ hội phát triển bền vững, sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thứ hai, thị trường Việt Nam còn khá nhỏ bé so với khu vực và thế giới, vì thế, DN không nên tự hài lòng với chính mình và phải liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo để bước ra nước ngoài, như Viettel trong viễn thông và VNG với việc đưa sản phẩm Zalo đạt được 2 triệu người dùng ở Myanmar. Thứ ba, các giám đốc và người sáng lập những DN nội dung số tiên phong cần chuẩn bị sẵn sàng cho đội ngũ nhân sự kế tiếp cho công ty mình cũng chính là chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp ngành nội dung số Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh, Bộ TT-TT mong muốn được lắng nghe các DN chia sẻ và đưa ra kiến nghị cho những rào cản pháp lý để cơ quan quản lý cải thiện chính sách, cơ chế để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho DN.
Trong khuôn khổ của hội thảo, có nhiều tham luận về: chính sách thúc đẩy công nghiệp nội dung số, dịch vụ gia tăng trên mạng và kinh doanh xuyên biên giới trên internet; tác động của internet và nội dung số đến đời sống của chúng ta. Đáng chú ý, trong tham luận ”Vietnam Internet trends 2016”, Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh đưa ra khái niệm mới, internet chính là smartphone với những người trẻ (từ 25 tuổi trở xuống).
Lý giải về khái niệm này, TGĐ VNG phân tích, internet từ máy tính cá nhân có hạn chế là bắt người dùng phải ngồi một chỗ, trong khi đó nếu dùng điện thoại thông minh có thể sử dụng liên tục mọi lúc mọi nơi. Đồng thời đưa ra nhận định, đến năm 2020, số lượng người dùng smartphone sẽ tăng gấp 30 lần so với năm 2010 và chiếm tỷ lệ 60% dân số. "Tôi cho rằng, cơ hội cho thị trường internet di động cao hơn 40-100 lần so với thị trường internet cho máy tính" - ông Lê Hồng Minh khẳng định. Vị lãnh đạo VNG cũng phân tích các thông số về mức độ thâm nhập của smartphone với trong thanh toán trực tuyến, game, sử dụng dịch vụ taxi cho thấy mức độ tăng nhanh chóng hàng chục phần trăm. Cùng quan điểm này, đại diện Google cho rằng, số lượng người dùng thiết bị di động tăng gấp 2 lần số lượng người dùng máy tính và thâm nhập vào mọi mặt của đời sống...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.