(HNM) - Được xác định là ngành dịch vụ quan trọng trong hoạt động thương mại, nhưng lĩnh vực logistics (quản trị chuỗi cung ứng) của Hà Nội còn manh mún.
Hạ tầng logistics của Hà Nội hiện chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp. |
Yếu và thiếu đồng bộ
Là doanh nghiệp chuyên xuất, nhập khẩu đồ gỗ nội thất, ông Hàn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu đồ gỗ nội thất (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, xét về một lô hàng xuất khẩu, các chi phí mà doanh nghiệp phải trả là rất lớn. Có thể liệt kê như, chi phí thủ tục hải quan thông quan xuất khẩu, chi phí vận tải nội địa (phí cầu phà, đường cao tốc), phí làm vận đơn; phí và phụ phí vận tải bị các hãng tàu tự ý nâng, thu của chủ hàng... Đây là nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng của các nước trong khu vực.
Không chỉ chi phí vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài làm đội giá thành, mà ngay từ các tỉnh lân cận vận chuyển về Hà Nội cũng là vấn đề không nhỏ. Chị Nguyễn Hoàng Oanh, chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh nông sản sạch phân tích: Bình quân 1kg rau sạch từ Yên Lạc (Vĩnh Phúc) về đến quận Cầu Giấy (Hà Nội) mất 2.500 đồng/kg, nhưng nếu vận chuyển sang Gia Lâm thì phí vận chuyển tăng thêm khoảng 1.200 đồng/kg. Do hệ thống giao thông của Hà Nội mới chỉ hướng tâm chứ chưa phát triển hệ thống giao thông bàn cờ, khiến chi phí cho sản phẩm bị đội lên.
Kết quả khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội về chất lượng cơ sở hạ tầng vận tải của Hà Nội (kho, bãi, cảng, sân bay…) năm 2017 cho thấy, với thang điểm từ 1 đến 5 thì các doanh nghiệp chỉ chấm đến 2,9 điểm do cơ sở hạ tầng vận tải của Hà Nội thiếu đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Đơn cử, với các kho bãi tập kết hàng, hầu hết đều có quy mô đầu tư đơn giản, thiếu liên kết. Ngoài các kho bãi thường, trên địa bàn Hà Nội đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 2 cảng thông quan nội địa là Mỹ Đình và Gia Lâm, tuy nhiên phạm vi khai thác còn hạn chế, chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê bãi và một số dịch vụ liên quan. Hệ thống giao thông phục vụ các cảng này mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa kết nối với đường sắt, đường thủy.
Giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh
Nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà giao nhận vận tải Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ đáp ứng 25% nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, hầu như không nhà cung cấp dịch vụ logistics nào cung cấp được dịch vụ vận chuyển xuyên suốt toàn lãnh thổ Việt Nam kết nối với thị trường quốc tế với chi phí cạnh tranh, mà phải qua các nhà cung cấp dịch vụ của từng chặng. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã giành được khoảng 70% thị trường nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng khắp và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 21% GDP, trong khi của các nước phát triển trung bình chỉ 10-14%, đây là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của nền kinh tế. |
Để thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án "quản lý và phát triển hoạt động logictics trên địa bàn thành phố đến năm 2025". Theo đó, để hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, Hà Nội sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, kết hợp hài hòa các nguồn vốn, chú trọng huy động nguồn vốn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi,… theo quy hoạch, kế hoạch và lộ trình bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển logistics của Hà Nội và cả nước.
Với đường bộ, thành phố sẽ tập trung cải tạo, mở rộng các tuyến đường hướng tâm hiện tại thành đường có 4-6 làn xe cơ giới, xây dựng các tuyến đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đường vành đai. Với đường thủy, cải tạo các tuyến đường sông kết nối với các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường sắt…; tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả các điểm thông quan tập trung theo Đề án “địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn TP Hà Nội” đã được phê duyệt…
Để thực hiện tốt đề án phát triển dịch vụ logistics, thành phố cần sớm đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, có biện pháp quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào mạng lưới, dịch vụ cả về chiều rộng và chiều sâu.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật (doanh nghiệp chuyên về vận tải) kiến nghị, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, cần quan tâm đến ba nhóm giải pháp: Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế chính sách. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giảm chi phí logistics được coi là cách tăng lợi nhuận hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.
Với việc phê duyệt và thực hiện đề án, cùng những chính sách hỗ trợ, xây dựng chiến lược phát triển logistics đồng bộ và toàn diện sẽ là yếu tố quan trọng để ngành logistics của Hà Nội phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17-21%; chi phí logistics giảm còn 14-17% GDP của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.