Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển kinh tế tư nhân: Biến cơ hội thành hiện thực

Hồng Sơn| 03/02/2021 07:09

(HNM) - Giai đoạn 2016-2020, dù phải đối diện nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trung bình 5,9%/năm (thuộc nhóm nước tăng cao nhất thế giới). Đóng góp trực tiếp vào thành tựu trên có vai trò không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Chưa bao giờ cộng đồng này đứng trước nhiều cơ hội phát triển như hiện nay...

Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart, Tập đoàn VinGroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Nhật Nam

Sự bứt phá về tư duy 

Chưa giai đoạn nào khu vực kinh tế tư nhân được ghi nhận, tôn vinh như thời điểm hiện tại. Nghị quyết số 10-NQ/TƯ (ngày 3-6-2017) của Đảng “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là minh chứng cho quan điểm cởi mở, đối xử bình đẳng giữa các khu vực kinh tế; công nhận tầm quan trọng, đóng góp không thể thay thế của kinh tế tư nhân. Nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện thuận lợi hơn, 5 năm qua, bình quân mỗi năm đều có hơn 100.000 đơn vị doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong nước (bao gồm doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hộ gia đình) đạt tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động... Doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký.

Thực tế, các thương hiệu như: BRG, FLC, VinGroup... đã từng bước chứng minh được vai trò, sức mạnh của khu vực tư nhân đối với đời sống kinh tế - xã hội... Đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đến thương mại, vận tải, phát triển hạ tầng, trực tiếp xuất - nhập khẩu cũng như đầu tư ra nước ngoài.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, việc công nhận vai trò, vị thế của doanh nghiệp tư nhân là bước tiến mang tính đột phá về tư duy, quan điểm cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, dù đội ngũ doanh nghiệp đã có bước trưởng thành nhưng đến nay vẫn thiếu những “cánh chim đầu đàn”, thiếu đơn vị đạt tới tầm vóc khu vực, quốc tế để trở thành chỗ dựa, đủ khả năng tạo chuỗi sản xuất và dẫn dắt các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Quy mô của doanh nghiệp chủ yếu vẫn là nhỏ, siêu nhỏ và vừa; mức độ sẵn sàng cho hội nhập và liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài còn hạn chế…

Chủ động phát huy nội lực doanh nghiệp

Trong giai đoạn tới, khu vực kinh tế tư nhân vẫn được xác định phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Quan điểm này được cụ thể hóa bằng nỗ lực tập trung xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Nhà nước cũng khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Trước yêu cầu trên, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực trên “đôi chân” của mình, tập trung cải thiện những điểm yếu cố hữu, như tình trạng vốn “mỏng”, thiết bị lạc hậu, thiếu thông tin thị trường, pháp lý... Theo Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Việt Hưng, bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cơ quan chức năng, việc đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất, cũng như sẵn sàng chuyển đổi số để tối đa hóa lợi ích... là hướng đi tất yếu hiện nay.

Đồng thời, quy định về quản lý doanh nghiệp, môi trường đầu tư - kinh doanh; nhất là điều kiện để doanh nghiệp ra đời và phát triển cũng cần tiếp tục được cải thiện một cách rõ rệt. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu cho rằng, để nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh cần có tinh thần quyết tâm, kiên trì vì cải cách không chấp nhận sự nửa vời, cầm chừng. Các cấp, ngành, địa phương cần nhất quán, chủ động vào cuộc; xác định doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ. Trên thực tế, thành công trong phát triển kinh tế của một số địa phương đi đầu trong cải cách luôn là bài học thiết thực. Chỉ có vậy mới có thể tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, liên tục, với kết quả cuối cùng là tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế tư nhân: Biến cơ hội thành hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.