Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là nhiệm vụ ý nghĩa nhất chào mừng Đại lễ

Quốc Bình| 26/06/2010 06:33

(HNM) - Hôm qua 25-6, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội giao ban định kỳ quý II với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cùng các đồng chí trong Thường trực Thành ủy chủ trì xem xét, thảo luận 4 nội dung quan trọng chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở; chỉnh trang đô thị; giải quyết đơn, thư khiếu tố và các vấn đề dân sinh bức xúc; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt


Cần có sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm hơn
Ban cán sự Đảng UBND TP đã tổng hợp kết quả thực hiện 4 nội dung trên với mong muốn làm rõ những mặt được và chưa được để định hướng công tác trong thời gian tới. Thành phố xác định có 5 nhóm công việc đã, đang và sẽ được tập trung triển khai nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điểm nổi bật của cả 5 nhóm công việc này là cùng hướng tới người dân như vị trí trung tâm. Đây là nhiệm vụ của cả 3 cấp TP, quận, huyện và cấp xã, phường; tất cả sẽ tập trung vận động mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị tự trang trí, tô điểm cho ngôi nhà, trụ sở của mình. Người dân sẽ tham gia các cuộc vận động về văn hóa gia đình, thi đua xây dựng thói quen tốt, nếp sống văn minh…

Các quận, huyện đã tập trung cao độ cho việc bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các nhu cầu dân sinh, bức xúc... Những việc này sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Theo lãnh đạo các quận, huyện, tình hình kinh tế - xã hội đang diễn biến thuận lợi, việc chăm lo cho các đối tượng chính sách đang được quan tâm, thực hiện có hiệu quả, được quần chúng đánh giá cao. Về công tác chỉnh trang đô thị, lãnh đạo một số quận nội thành đều khẳng định công việc hiện tại khá suôn sẻ, nổi bật là quận Hoàn Kiếm với khối lượng công việc lớn nhưng hoàn thành đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, lãnh đạo các quận, huyện khẳng định cần sự phối hợp có chất lượng hơn với các sở, ngành liên quan.

Cải thiện đời sống người dân, bảo đảm chất lượng các công trình
Tại cuộc giao ban, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao kết quả thực hiện 4 nội dung nói trên của các cấp, các ngành. Về chỉnh trang đô thị, Bí thư Thành ủy khẳng định, chưa thời kỳ nào chúng ta xây mới, cải tạo công viên, vườn hoa, bảo tàng, nhà hát như hiện nay. Khối lượng công việc thực hiện rất lớn, trong khi việc lựa chọn thời điểm, cách thức, phương pháp thực hiện chưa phù hợp đã gây bức xúc trong dân. Bí thư Thành ủy chỉ đạo các ngành, các cấp phải lắng nghe phản hồi từ dư luận và người dân để xem lại cách làm, lựa chọn thời điểm làm cho phù hợp. "Các công trình phải có chất lượng. Làm mới mà không tốt hơn cũ thì rất đáng chê trách. Làm mới mà rối càng không thể chấp nhận" - đồng chí nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ đạo, phải phấn đấu trong tháng 7 hoàn thành công tác chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh vấn đề chất lượng các công trình và yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không lơ là chất lượng, nhất là trong giai đoạn nước rút này.

Về giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân, Bí thư Thành ủy cho rằng đã có sự chuyển biến nhất định, nhưng chưa đều. Một số cấp ủy, chính quyền còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Cấp xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách. Một số nơi còn chưa thực hiện đầy đủ quy trình giải quyết đơn, thư theo quy định. Để hạn chế tình trạng đơn, thư khiếu tố hiện nay, các cấp, các ngành phải tăng cường tính minh bạch, nghiêm túc và dứt khoát trong công việc, đặc biệt là thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lợi ích của người dân. Đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân theo hướng đổi mới để làm rõ ngay từ đầu về mục đích, yêu cầu, cơ chế, chính sách của TP. Nhắc nhở các cấp, các ngành về những đóng góp, hy sinh to lớn của đông đảo người dân Thủ đô trong các công việc mà TP đang triển khai hướng tới Đại lễ, Bí thư Thành ủy lưu ý các cấp, các ngành cần đề cao và ghi nhận nghiêm túc để cố gắng hơn nữa trong công tác.

Đối với nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành về chủ trương hỗ trợ các gia đình chính sách, các hộ nghèo; tập trung thực hiện các chương trình phục vụ dân sinh như xây dựng trường học, trạm xá… nhân dịp Đại lễ. Đồng chí nhấn mạnh: "Chúng ta không chỉ cố gắng hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm có chất lượng cao, mà phải hết sức quan tâm đến việc cải thiện đời sống người dân. Chào mừng Đại lễ thiết thực nhất là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa cơ bản". Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, từ khi mở rộng Hà Nội đến nay, đầu tư cho khu vực ngoại thành đã tăng gấp 10 lần so với trước chính là thực hiện mục tiêu này.

Chỉ đạo về tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở, đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "Để các hoạt động có chiều sâu, phải coi trọng người dân như là chủ thể vừa tổ chức, vừa tham gia vừa thưởng thức. Cần khơi dậy những nét đẹp truyền thống, tận dụng vốn văn hóa dân gian phong phú của các vùng, miền, qua đó tạo không khí đoàn kết, phấn khởi đến với mọi người, mọi nhà". Nhấn mạnh thời gian từ nay đến Đại lễ chỉ còn 107 ngày, Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành TP phải tập trung cao độ, cố gắng hết sức hoàn thành các nhiệm vụ vừa cấp bách, nặng nề, vừa áp lực, đòi hỏi cao trong thời gian nước rút này. Các cấp, các ngành phải đề cao tinh thần tiết kiệm trong chuẩn bị cho Đại lễ, bảo đảm Đại lễ diễn ra vui tươi, thiết thực, tránh phô trương, hình thức.

Cân nhắc số lượng cổng chào

Đề cập việc làm 5 cổng chào, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng đây là đề mục công việc đã được Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phê duyệt và giao cho TP Hà Nội thực hiện. Nếu chúng ta làm được những cổng chào đẹp, không quá tốn kém thì chắc là nhân dân cũng đồng tình. Tuy nhiên, hiện đang có những ý kiến băn khoăn về sự cần thiết, về kinh phí xây dựng, về vị trí đặt cổng chào… Bí thư Phạm Quang Nghị đề nghị UBND TP cần khẩn trương cân nhắc, nên chăng chỉ nên làm trước 3 cổng, trên cơ sở lựa chọn những tuyến đường, những kiểu dáng thiết kế đã có sự đồng thuận cao. Trước mắt, chưa nên xây dựng những cổng chào vĩnh cửu, tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, để có thể tháo ra làm lại khi cần thiết. Đồng thời cũng rà soát kỹ lại phương pháp thi công, dự toán kinh phí sao cho ít tốn kém nhất. Trong chỉ đạo, TP cũng đã bố trí đủ kinh phí, ngân sách dành cho việc xây, sửa trường học, hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người nghèo… Không vì việc làm cổng chào mà quên chăm lo các vấn đề xã hội.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là nhiệm vụ ý nghĩa nhất chào mừng Đại lễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.