Kinh tế

Phát triển kinh tế đêm: Từ kinh nghiệm quốc tế đến bài học cho Hà Nội

ThS. Phạm Hoàng Hà 09/07/2023 - 06:58

Mặc dù kinh tế đêm đóng một vai trò chủ chốt trong phát triển kinh tế đô thị nhưng loại hình này cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức và hạn chế.

Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh, kinh tế đêm là một trong những ngành chính góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế ở khu vực đô thị. Do đó, Hà Nội đã cam kết phát triển kinh tế đêm là ưu tiên của giai đoạn 2020-2025. Loạt bài viết dưới đây đưa ra các kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế đêm của một số thành phố lớn ở các quốc gia, từ đó, đề xuất 6 ý tưởng chính sách có thể áp dụng cho Hà Nội để thực hiện cam kết làm sống động nền kinh tế đêm của thành phố.

Bài 1: Kinh tế đêm - nhiều ưu điểm lẫn thách thức

Trong xã hội hiện đại, rất nhiều các hoạt động kinh tế diễn ra vào ban đêm. Và ánh đèn cung cấp thông tin nhiều và kỹ lưỡng nhất về các hoạt động này. Mặc dù kinh tế đêm đóng một vai trò chủ chốt trong phát triển kinh tế đô thị nhưng loại hình này cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức và hạn chế.

chodem.jpg
Phố ăn uống Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) luôn thu hút người dân, du khách đến thưởng thức các món ăn. Ảnh: Thành Đạt

Sức sống của đô thị

Không có một định nghĩa thống nhất về kinh tế đêm trong các nghiên cứu trước đây. Nhưng qua thực tiễn, chúng ta có thể hình dung được kinh tế đêm bao gồm các hoạt động tiêu dùng và các cơ hội kinh tế liên quan đến các ngành dịch vụ, như giải trí, du lịch, mua sắm, thể dục, văn hóa và ăn uống… Các ngành dịch vụ này cấu thành các tính năng nổi bật nhất của kinh tế đêm.

Kinh tế đêm đóng nhiều vai trò trong việc thúc đẩy phát triển đô thị và nâng cao sức sống đô thị, trong đó quan trọng nhất là kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng cơ hội việc làm, mở rộng tiêu dùng và cải thiện khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của thành phố.

Phát triển kinh tế đêm đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và sức sống của đô thị.

Đầu tiên, điều ảnh hưởng trực tiếp nhất của kinh tế đêm đến đô thị là việc người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn các cơ sở công cộng và thương mại vào ban đêm và tăng cơ hội việc làm (bằng cách kéo dài thời gian hoạt động của nền kinh tế).

Thứ hai, sự phát triển của kinh tế đêm thúc đẩy sự mở rộng của các ngành dịch vụ và khuyến khích tiêu thụ. Do đó, kinh tế đêm có thể dẫn đến sự phát triển cho các lĩnh vực du lịch, dịch vụ và các ngành công nghiệp giải trí, đồng thời kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực bổ sung, chẳng hạn như các ngành công nghiệp ăn uống, vận chuyển và bán lẻ.

Thứ ba, phát triển kinh tế đêm thúc đẩy một khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của thành phố đối với du khách và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà chức trách thường áp dụng các chiến lược linh động, thiết kế lại, hay làm mới và làm marketing cho địa điểm để tăng sức hấp dẫn của thành phố. Làm như vậy có thể thu hút các nhà đầu tư bên ngoài, nguồn lao động có kỹ năng cao và các chuyên gia. Đó là chưa kể đến việc phát triển kinh tế đêm sẽ thúc đẩy nền kinh tế của thành phố và kéo theo đó là cả khu vực.

Thứ tư, kinh tế đêm mang lại cho du khách các lựa chọn tiêu dùng đa dạng và tăng thêm trải nghiệm thú vị (ngoài những hoạt động ban ngày) và tạo ấn tượng tốt cho du khách. Có thể nói rằng, nếu trải nghiệm của du khách đến thành phố là thú vị và đáng nhớ, thì khả năng cao là họ sẽ quay trở lại với tư cách là khách du lịch hoặc thậm chí có thể là một nhà đầu tư. Tương tự như các du khách từ phương xa, nếu cộng đồng dân cư địa phương thấy cuộc sống về đêm ở đô thị là ấn tượng, đa dạng và thú vị, họ sẽ cởi mở để tham gia các hoạt động giải trí sau giờ làm việc. Các hoạt động này thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, từ đó đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội.

Các chuyên gia kinh tế cũng chung nhận định, trong ngắn hạn, kinh tế đêm có thể cung cấp nguồn việc làm quan trọng và nguồn thu thêm cho chính quyền địa phương, giảm bớt áp lực thất nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và phòng ngừa trước những thiệt hại kinh tế gây ra bởi đại dịch. Về lâu dài, kinh tế đêm có thể giữ cho các thành phố luôn sôi động bằng cách tạo ra cảm giác thân thuộc và thú vị cho người dân và khách du lịch, điều này nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, và xa hơn nữa là tăng tốc phục hồi kinh tế.

Đi cùng những thách thức

Sự tăng trưởng của các hoạt động kinh doanh, buôn bán, vui chơi và giải trí diễn ra vào ban đêm đem lại tăng trưởng kinh tế nhưng cũng dẫn đến sự gia tăng của các hành vi chống đối xã hội và chính quyền, gây thiệt hại cho xã hội, tăng số ca nhập viện cấp cứu, hoạt động tội phạm và lạm dụng chất kích thích cũng diễn ra phức tạp với tần suất cao hơn.

Những thách thức trên sẽ dẫn đến một thành phố mất trật tự an ninh, một xã hội thiếu niềm tin, gia tăng áp lực cho hệ thống y tế, tạo ấn tượng không tốt cho du khách và nhà đầu tư bên ngoài và gây mất cân bằng xã hội, trong trường hợp không được nhận diện cũng như có phương pháp thích ứng tốt. Một nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài cho thấy, mất cân bằng xã hội là vì các hoạt động tội phạm và lạm dụng chất kích thích có ảnh hưởng nhiều hơn lên các nhóm yếu thế và dễ tổn thương của xã hội.

Lấy ví dụ ở Anh, có nhiều các báo cáo thống kê rằng tỷ lệ các cuộc bạo lực nghiêm trọng có thương tích xảy ra vào buổi tối cao hơn, với 52% các vụ bạo lực diễn ra từ 18h đến 22h và 83% vụ bạo lực xảy ra từ 22h đến 24h ở nước này (theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh năm 2015).

Tại hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế ban đêm và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp trực thuộc Quốc hội, tổ chức năm 2021, các chuyên gia đã chỉ ra, bên cạnh những lợi ích mang lại, cũng có những rủi ro tiềm ẩn khi phát triển kinh tế ban đêm như: Xuất hiện vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng; kinh tế đêm có thể vô tình trở thành môi trường thuận lợi, làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến như mại dâm, buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp giật, cờ bạc.

Ngoài ra, còn có những rủi ro tiềm ẩn khác cần nhận diện như: Phát triển kinh tế đêm có thể tiêu tốn một khoản chi phí xã hội không mong muốn như chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giám sát… Hơn nữa, tiếng ồn khiến cho một bộ phận cư dân ở trung tâm thành phố, đô thị không ngủ được, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và trong nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố có thể cũng phải chịu các chi phí liên quan đến sửa chữa các thiệt hại nhỏ do hành vi phá hoại (đập phá hoặc vẽ bậy) của những người tham gia hoạt động ban đêm. Ngoài ra, sẽ xuất hiện chênh lệch điều kiện kinh tế - xã hội, lai căng văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng, rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, ô nhiễm môi trường.

(Còn nữa)

ThS. Phạm Hoàng Hà
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Kinh tế đêm bao gồm các hoạt động kinh tế diễn ra từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau, như dịch vụ ăn uống, văn hóa, giải trí, nghệ thuật, lễ hội, sự kiện, thể thao, nghỉ dưỡng, du lịch và vận tải.

Tại Anh, kinh tế đêm là ngành lớn thứ năm. Những vùng có kinh tế đêm sôi động của nước này tạo ra gần 8% việc làm và doanh thu hằng năm lên đến 66 tỷ bảng Anh (6% tổng doanh thu hằng năm của Vương quốc Anh).

Tại Hoa Kỳ, doanh thu của kinh tế đêm tại riêng thành phố San Francisco đạt 6 tỷ USD; còn ở thành phố New York là 10 tỷ USD. Riêng tại New York (Mỹ), doanh thu từ kinh doanh đêm đến từ các nhà hàng, các quán bar, các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh cho đến sân khấu kịch; tạo ra hàng chục nghìn việc làm mỗi ngày. Theo thống kê, New York từng thu về hơn 8 triệu USD mỗi đêm từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế đêm: Từ kinh nghiệm quốc tế đến bài học cho Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.