(HNM) - Nếu như vào năm 2010, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới xếp hạng hạ tầng giao thông Việt Nam ở vị trí 103, tăng lên thứ hạng 90 vào năm 2012, thì trong báo cáo mới nhất (2014), Việt Nam đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 74 trên thế giới.
Điều này cho thấy những nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã có kết quả tích cực và được thế giới ghi nhận.
Cơ sở hạ tầng đang vươn tầm
Theo báo cáo xúc tiến thương mại toàn cầu (Enabling Trade Inde-ETI) do WEF thực hiện tại 138 nước cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã tăng đáng kể (tăng 16 bậc) so với lần khảo sát trước đó vào năm 2012 và vươn lên đứng ở vị trí thứ 74 trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp, thì Chính phủ cùng Bộ GT-VT đã có những giải pháp hiệu quả, chiến lược nhằm huy động các nguồn lực kinh tế từ trong nước và quốc tế tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
Những dự án tốt nhất của Việt Nam đã, đang góp phần nâng hạng hạ tầng giao thông phải kể tới là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường trên cao Vành đai 3 - Hà Nội và đại dự án "Nâng cấp mở rộng QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ" sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015... Cùng với đó là các cảng hàng không T2 Nội Bài, Phú Quốc, Vinh và nhiều cây cầu lớn...
Cầu vượt nhẹ ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.Ảnh: Ngọc Châu |
Ngay sau khi đưa các dự án vào khai thác, ngoài việc tính toán bảo đảm hiệu quả tài chính hoàn vốn đầu tư, Bộ GT-VT đều yêu cầu các đơn vị tự đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội. Kết quả đánh giá cho thấy, các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã mang lại nhiều lợi ích do tiết kiệm nhiên liệu; giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện; lợi ích mang lại cho người sử dụng lớn hơn so với mức phí người sử dụng phải đóng và các lợi ích mang lại không định lượng được bằng tiền như giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian đi lại...
Ví dụ, như đối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí; QL1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí; đối với QL14 (đoạn từ Pleiku - Cầu 110) tỉnh Gia Lai, lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 167 tỷ đồng/năm; đối với QL14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 79 tỷ đồng/năm... Ngành GT-VT đã đưa vào sử dụng hàng nghìn kilômét đường bộ, trong đó có khoảng 700km đường cao tốc. Do huy động thêm được các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nên đến nay năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Tín hiệu mừng cho nền kinh tế
Theo ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GT-VT), những nỗ lực trong lĩnh vực phát triển của hạ tầng giao thông tại Việt Nam không chỉ được WEF đánh giá cao mà thực tế thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… cũng có những đánh giá rất tích cực. Năm 2014, ngành GT-VT đã giải ngân được mức cao kỷ lục, khoảng 100.000 tỷ đồng. Những công trình được hoàn thành đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, với những kết quả về giải ngân và huy động vốn cho phát triển hạ tầng giao thông mấy năm qua, đặc biệt là việc giải ngân nguồn vốn ODA, đánh giá của WEF là hoàn toàn xác thực, phản ánh đúng thực tế trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, có thể nói việc hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một trong những dự án đường cao tốc lớn nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 245km chính là bước đột phá lớn của ngành GT-VT.
Điển hình như tại Hà Nội, nhiều công trình giao thông lớn, như đường trên cao, cầu Nhật Tân hay cả hệ thống cầu vượt nhẹ… đang làm thay đổi bộ mặt thành phố. Một nền kinh tế muốn phát triển, cần phải có sự liên kết về mặt không gian, giao thông phải đi trước một bước... Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi đánh giá trên không chỉ góp phần khẳng định sự cố gắng của chúng ta, mà còn giúp cho các nước và các nhà đầu tư trên thế giới thêm tin tưởng. Với đánh giá này, Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư thế giới để từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.