(HNM) - Cần nghiêm khắc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, thậm chí vi phạm để đề ra những giải pháp trong thời gian tới nhằm phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội bền vững hơn...
Bộc lộ nhiều bất cập
Trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), Bộ GT-VT đã huy động được gần 187.000 tỷ đồng đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao); trong đó, lĩnh vực đường bộ 58 dự án, đường thủy nội địa 1 dự án... Qua đó đã hoàn thành, đưa vào khai thác 26 dự án, chưa kể 18 dự án khởi công trước năm 2011, góp phần đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH đất nước, phát triển KT-XH các địa phương nơi dự án đi qua. Đối với người sử dụng, sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí nhiên liệu, khấu hao phương tiện, đi lại trên tuyến đường an toàn hơn. Tuy nhiên, Bộ GT-VT cũng nhìn nhận, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như nhầm lẫn đơn giá định mức, hạng mục khối lượng trong thẩm định tổng mức đầu tư, tổ chức khởi công công trình khi còn thiếu thủ tục...
Là tiếng nói đại diện cho các doanh nghiệp (DN) vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chủ trương XHH đầu tư kết cấu hạ tầng là cần thiết trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Nhưng, các DN đang rất bức xúc trước tình trạng không ít trạm thu phí đặt chưa đúng vị trí; có những tuyến đường các trạm thu phí bố trí quá dày, người dân và DN không có quyền lựa chọn khiến tiền phí cao hơn tiền xăng.
Tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu HTGT theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ GT-VT tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn không ít công trình chất lượng thấp, ảnh hưởng đến an toàn cho phương tiện, con người, gây bức xúc cho xã hội. Bên cạnh những nhà đầu tư (NĐT) uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, đầu tư nghiêm túc, cũng có nhiều NĐT tính toán chưa chính xác, trình độ, năng lực còn hạn chế. Đặc biệt, việc bố trí các trạm thu phí còn chưa hợp lý, dẫn đến sự bức xúc của người dân. Chính việc phối hợp giữa các NĐT chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến nhiều, hoặc địa điểm đặt trạm thu phí không phù hợp.
Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sẽ nâng tốc độ tàu chạy lên 80-90km/h với tàu khách và 50-60km/h với tàu hàng. |
Nâng cao năng lực quản lý
Đề cập đến định hướng đầu tư phát triển kết cấu HTGT giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ GT-VT Trương Quang Nghĩa cho biết, về hệ thống quốc lộ còn lại cần tiếp tục đầu tư theo quy hoạch là 7.215km. Tuy nhiên, do nhu cầu nguồn lực còn hạn chế nên giai đoạn này chỉ nghiên cứu đưa vào danh mục đầu tư khoảng 3.600km. Các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo. Cũng trong giai đoạn này tiếp tục đầu tư hoàn thành khoảng 1.524km để đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 2.270km đường cao tốc.
Đối với lĩnh vực đường sắt, Bộ GT-VT dự kiến tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án như cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh để nâng tốc độ tàu chạy 80-90km/h với tàu khách và 50-60km/h với tàu hàng; cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên; cải tạo, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, xây dựng hệ thống giám sát của các ga thuộc tuyến đường sắt phía Bắc và khu vực đầu mối Hà Nội giai đoạn II; từng bước xây dựng các tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, Tràng Bỏm - Dĩ An - Hòa Hưng; hoàn thiện nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án và nguồn lực đầu tư.
Lĩnh vực hàng không tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh và huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... Nguyên tắc lựa chọn các dự án phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; phù hợp với lĩnh vực đầu tư; có khả năng tạo doanh thu để hoàn vốn cho NĐT, ưu tiên dự án tạo doanh thu từ hoạt động kinh doanh; có NĐT quan tâm và có nhu cầu sử dụng dịch vụ lớn; bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, NĐT, người sử dụng.
Nhu cầu phát triển hệ thống HTGT trong những năm tới là rất lớn, trong khi nguồn lực ngân sách có hạn, nên việc huy động các nguồn lực ngoài xã hội là rất quan trọng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới những bất cập nêu trên được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, đó là hình thức đầu tư BOT, BT là một dạng của hợp tác công - tư (PPP), nhưng vai trò của Nhà nước còn hạn chế. Nếu có thêm sự tham gia của Nhà nước, chắc chắn việc huy động vốn sẽ tốt hơn, thời gian triển khai cũng nhanh hơn, từ đó mang lại hiệu quả KT-XH cao hơn cho dự án. Bên cạnh đó, sự mất cân đối giữa các loại hình GT-VT đang tạo ra áp lực lớn cho phát triển hạ tầng. Hiện tại mới chỉ thu hút đầu tư BOT, BT chủ yếu vào hệ thống đường bộ. Do đó, Bộ GT-VT tiếp tục rà soát các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, gắn với đề án tái cấu trúc ngành GT-VT, hướng tới phát triển hài hòa các phương tiện, loại hình GT-VT. Ngành GT-VT chủ trì, đề xuất danh mục các dự án ưu tiên để thu hút đầu tư xây dựng hệ thống HTGT. Các ngành liên quan cũng cần tăng cường kiểm soát nhà nước về đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng bằng hình thức BOT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.