Giáo dục

Phát triển giáo dục chất lượng cao vừa là cơ chế đặc thù, vừa là trách nhiệm của Thủ đô

Mai Hữu 28/05/2024 - 17:36

Chiều 28-5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm, thảo luận về quy định mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao.

tuyetnga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Về việc quy định xây dựng, phát triển và mở rộng mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao; cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, hạnh phúc, không trái các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công lập.

Song song với đó, đại biểu đề nghị Hà Nội tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan tỏa cho giáo dục - đào tạo cả nước và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyện vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công.

tranthivan.jpg
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Chưa đồng tình với quan điểm trên của đại biểu Đoàn Quảng Bình, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện; xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục - đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế….

“Chính vì vậy, việc tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ”, đại biểu Trần Thị Vân khẳng định.

Đại biểu Đoàn Bắc Ninh cũng cho rằng, việc đưa quy định này trong dự thảo Luật không đơn thuần là cơ chế đặc thù mà còn là trách nhiệm của Thủ đô phải đảm nhiệm để góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai không chỉ cho Thủ đô mà còn là cả nước.

Đại biểu cũng cho biết, xây dựng, phát triển và mở rộng mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao không chỉ riêng Thủ đô mà nhiều địa phương khác cũng đang thực hiện các mô hình giáo dục có tính chất tương tự như trường điểm, trường trọng điểm, trường chuyên…

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, tại dự thảo Luật có nêu: “Cơ sở giáo dục chất lượng cao là cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo quy định của pháp luật về giáo dục và đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo quy định của UBND thành phố Hà Nội”. Đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở giáo dục dạy nghề và đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển giáo dục chất lượng cao vừa là cơ chế đặc thù, vừa là trách nhiệm của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.