Chính trị

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Kỳ vọng đồng thuận cao

Tiến Thành 27/05/2024 - 10:32

Chiều mai (28-5), tại kỳ họp thứ bảy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thông qua. Dự thảo luật được đánh giá đã hoàn thiện, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đầy đủ các ý kiến đóng góp, kỳ vọng sẽ nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.

thaoluan.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV (tháng 11-2023). Ảnh: media.quochoi.vn.

"Điểm sáng" trong lập pháp

Trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cơ bản được các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi luật và nội dung chính của dự thảo luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với bộ, ngành, cơ quan có liên quan; cử đại diện tham gia một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 3-2024; sau đó được tiếp thu, chỉnh lý để trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm (tháng 3-2024) và gửi lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Đồng thời, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có nhiều điểm mới, tiến bộ, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển...

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều. Dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dự thảo luật đã tập hợp, bổ sung, sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc và các nội dung cụ thể về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo luật do Chính phủ trình để quy định thành một điều riêng, bảo đảm rõ ràng về chủ thể, đối tượng, nội dung và trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền thay thế cho việc áp dụng các quy định về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định, trong thời gian ngắn, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ với những sự thay đổi rất đáng kể về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Hồ sơ dự án luật đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước kỳ họp thứ bảy, bảo đảm đúng thời gian quy định.

lamviec.jpg
Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với các cơ quan, cho ý kiến về các nội dung lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tháng 2-2024. Ảnh: media.quochoi.vn.

Hoàn thiện các quy định

Về cơ bản, dự thảo của Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy được hoàn thiện với mức độ cao, không có các nội dung phải đưa ra nhiều phương án để Quốc hội thảo luận, lựa chọn; nghĩa là không còn nội dung có ý kiến khác nhau gây khó khăn cho quá trình lập pháp.
Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Tạo cho rằng, phạm vi áp dụng dự thảo luật tương đối toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực, gồm cả tổ chức chính quyền địa phương, việc phân quyền, việc liên kết phát triển mang tính liên vùng… Những “ưu tiên áp dụng” trong hệ thống luật pháp sẽ quyết định đến hiệu quả, hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô sau khi được ban hành.

Đối với vấn đề được quan tâm là chính quyền thành phố thuộc thành phố, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố thuộc thành phố sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thành lập thành phố thuộc thành phố, bảo đảm thực hiện các yêu cầu đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Dự thảo luật cũng quy định cụ thể chính sách ưu đãi riêng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, việc này thể hiện vai trò hạt nhân của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đối với việc phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố; đồng thời cũng là bước tiếp nối các chính sách ưu đãi sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho UBND thành phố quản lý. Dự thảo cũng xác định việc đầu tư cho đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) với một số chính sách đặc thù.

Đối với quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước được các đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An, dự thảo luật chỉnh lý sẽ kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa sự cố xảy ra tại các công trình, cơ sở sai phạm, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng...

Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Kỳ vọng đồng thuận cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.