Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội: Chưa xứng với tiềm năng

Nguyễn Mai| 19/12/2018 06:41

(HNM) - Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đi mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Du khách trải nghiệm quy trình chăm sóc, thu hái chè tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì).


Tiềm năng nhiều, thị trường sẵn

Trang trại Đồng Quê ở huyện Ba Vì những ngày đầu tháng 12 này, dù không phải ngày nghỉ lễ, nhưng khá đông khách đến tham quan, nhất là học sinh tới sinh hoạt ngoại khóa. Ở đây, các em được trải nghiệm không gian làng Việt xưa với ngôi nhà mái ngói, cái cuốc, cái cày, cối xay gạo; được làm quen với nghề nông khi tự tay bắt cá, trồng rau, thu hoạch nông sản, chế biến món ăn dân dã... Để tăng sức hấp dẫn du khách, chủ trang trại Đồng Quê đã chủ động phối hợp với cư dân bản địa đưa khách tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, thưởng thức múa cồng chiêng của người Mường... tại các bản làng lân cận.

Còn tại xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức), vào mùa sen, mỗi ngày, địa phương đón hàng trăm du khách tới tham quan, chụp ảnh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ Nguyễn Mạnh Ngự, với lợi thế vùng đất trũng, nhiều hộ dân đã chuyển từ canh tác lúa một vụ bấp bênh sang trồng sen. Cả xã có hàng chục héc ta trồng sen, tạo thành những cánh đồng lớn, kết hợp với cảnh núi non thơ mộng nên khá hút khách. Ngoài cho thuê địa điểm chụp ảnh, nhiều hộ dân còn bán hoa và hạt sen, mở ra hướng đi mới cho vùng quê này...

Với nhiều địa hình, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nổi bật là khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi non xanh thẳm cùng các thôn quê trù phú, rất thuận lợi cho việc tổ chức hình thức du lịch nông nghiệp với nhiều loại sản vật: Bò sữa, rau rừng, hoa quả, mật ong, gà đồi, dê, thỏ, lợn rừng, đà điểu... Gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã và đang có nhiều làng quê sạch, đẹp như: Song Phượng, Đan Phượng (huyện Đan Phượng); Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)... mở ra cơ hội phát triển du lịch làng, xã nông thôn mới. Hiện đã có một số nơi tổ chức được các tour, tuyến du lịch hấp dẫn như: Làng chè Ba Trại, làng thảo dược của người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì), làng Việt cổ đá ong Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)... mang lại thu nhập khá ổn định cho hàng trăm hộ dân và trải nghiệm thú vị cho du khách.

Đòn bẩy phát triển nông thôn

Các em nhỏ thích thú khi trải nghiệm việc thu hái dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn).


Phát triển du lịch ở nông thôn chính là cách làm phù hợp để thúc đẩy kinh tế khu vực ngoại thành, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa. Tuy vậy, để mô hình này phát triển bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi nhìn tổng thể hiện nay, đa phần các mô hình đã hình thành đều mang tính tự phát, chưa bài bản, thiếu sự gắn kết, liên kết... nên hiệu quả chưa cao.

Bà Ngô Kiều Oanh - chủ Trang trại Đồng Quê, cho rằng: "Hạn chế lớn nhất đó chính là du lịch nông nghiệp đến nay vẫn chưa được "chính danh" nên chưa được thể chế hóa, tổ chức thực hiện một cách bài bản, quy củ. Tháo gỡ khó khăn này, tôi đề xuất các bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng một số mô hình thí điểm làm hạt nhân tại các vùng, miền. Qua thí điểm, tiến tới xây dựng cơ chế, chính sách về du lịch nông nghiệp, nông thôn hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp với các tiêu chuẩn riêng và đặc thù".

Xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) cũng đang tính đến những giải pháp xa hơn để khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình. “Mùa sen chỉ kéo dài chừng 2 tháng hè. Chúng tôi đang tìm cách kéo dài thời vụ để đáp ứng nhu cầu du khách. Ngoài trồng sen lấy hạt, chúng tôi đang tính đến việc hỗ trợ bà con dùng lá sen làm trà, ngó sen làm thực phẩm... để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch” - ông Nguyễn Mạnh Ngự cho biết.

Tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức mới đây, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng: Chính quyền địa phương (nơi có tiềm năng) cần tham gia sâu hơn nữa vào việc phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các hộ dân làm du lịch. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia liên kết với nông dân. “Trang trại Đồng quê ở huyện Ba Vì đã tạo ra nhiều tour tham quan, trải nghiệm và khám phá thú vị cho du khách. Bên cạnh đó, còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, giữ gìn được nghề nông và sản vật quý của địa phương là một minh chứng thành công” - ông Trần Đức Hải dẫn chứng.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, các làng, xã của Hà Nội cũng mong muốn được quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp để phát triển du lịch nông thôn. Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp lồng ghép với vùng du lịch để hình thành chuỗi sản phẩm và chợ đầu mối về nông sản thực phẩm xanh, sạch mang tính bản địa...

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Văn phòng đã và đang đề nghị các quận, huyện, thị xã đăng ký các nhóm sản phẩm để tập trung xây dựng, trong đó có cả các sản phẩm về dịch vụ, du lịch nông thôn. Đây là cơ sở để Hà Nội tập trung đầu tư, hỗ trợ các sản phẩm phát triển du lịch ở nông thôn. Để du lịch nông thôn "cất cánh", cần tăng cường hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, sự chung sức của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội: Chưa xứng với tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.