Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch làng nghề xứng với tiềm năng

Lâm Vũ| 03/10/2016 06:58

(HNM) - Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó rất nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm... Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy du lịch làng nghề (DLLN) phát triển, điển hình là tổ chức thường niên Liên hoan DLLN truyền thống Hà Nội.


Những tín hiệu vui

Với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa nghề truyền thống", Liên hoan DLLN truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 được khai mạc ngày 29-9 và bế mạc ngày 2-10, có sự tham gia của các làng nghề, nghệ nhân, doanh nhân, nghệ sĩ, thợ thủ công, các doanh nghiệp du lịch và những người yêu Hà Nội, tâm huyết với Thủ đô. Nét mới của liên hoan năm nay là do Hà Nội và Bộ NN&PTNT cùng tổ chức, nên đây là kỳ liên hoan không chỉ của Hà Nội, mà còn có sự tham gia của các làng nghề nổi tiếng trên cả nước.

Khách tham quan được trải nghiệm với nghề dệt lụa Vạn Phúc tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2016. Ảnh: Mai Chi



Tổ chức ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, không gian liên hoan được chia thành 9 khu, với 260 gian hàng. Trong khuôn khổ liên hoan diễn ra các hoạt động: Tôn vinh làng nghề truyền thống tiêu biểu; rước tổ nghề; các chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp cùng các sản phẩm nghề truyền thống; giới thiệu các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến đến các làng nghề... Các doanh nghiệp du lịch và các đơn vị liên quan cũng đã phối hợp để tạo tour, tuyến đến các làng nghề của Hà Nội, kết nối làng nghề Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội đã lắng nghe ý kiến của du khách để xây dựng sản phẩm DLLN tốt nhất trong tương lai.

Nhờ có những hoạt động phong phú, nên liên hoan dù diễn ra dưới thời tiết nắng nóng vẫn thu hút tới 3 vạn lượt khách tham quan. Chị Trần Ngọc Bảo Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Liên hoan DLLN năm nay được tổ chức công phu, bài bản, các hoạt động trải nghiệm cũng phong phú, thú vị, tạo điều kiện cho khách tham quan cơ hội tìm hiểu và khám phá văn hóa làng nghề một cách kỹ lưỡng dưới nhiều góc độ khác nhau".

Sớm xóa bỏ bất cập

Thực tế cho thấy, DLLN ở nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn phát triển một cách tự phát và còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là nguồn nhân lực du lịch hạn chế, hạ tầng DLLN chưa tương xứng, môi trường nhiều làng nghề ô nhiễm nặng, các sản phẩm của làng nghề còn đơn điệu...

Theo các chuyên gia du lịch, để phát triển DLLN, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan. Từ năm 2001, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện dự án OTOP (Mỗi làng nghề một sản phẩm). Theo đó, Chính phủ hỗ trợ kết nối địa phương với toàn cầu, thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn tất đóng gói, tiếp thị, tổ chức kênh phân phối ở nước ngoài. Các trường đại học xây dựng phần mềm công nghệ thông tin, thiết kế, quảng bá sản phẩm OTOP, đồng thời lập ra các trang thông tin nhằm giúp khách hàng nước ngoài có thể đặt mua hàng qua mạng. Đến nay, dự án đã được triển khai thành công với 36.000 mô hình, mỗi mô hình tập hợp từ 30 đến 3.000 thành viên tham gia, góp phần bảo tồn và nâng cao kỹ năng tay nghề nghệ nhân, tăng công ăn việc làm ở làng nghề và tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy DLLN phát triển, cần sự vào cuộc của nhiều bên. Trước hết, các làng nghề phải tự thân vận động và làm những việc cụ thể như xây dựng phòng trưng bày hoặc bảo tàng nhỏ của làng xã, giới thiệu về sản phẩm và quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng, xuất xứ của sản phẩm và sự thay đổi mẫu mã qua các giai đoạn, những câu chuyện xung quanh những sản phẩm của chính làng nghề mình.

Thời gian gần đây, một số làng nghề ở Hà Nội đã xây dựng thành công những bảo tàng này như: Bảo tàng nghề gốm cổ ở xã Kim Lan, Bảo tàng gốm tư nhân ở Bát Tràng... Các hiệp hội cần giới thiệu, quảng bá những mô hình phát triển DLLN có hiệu quả, tổ chức những hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; tham gia các sự kiện: Hội chợ, triển lãm, thi tay nghề, tôn vinh nghệ nhân, các hoạt động văn hóa, lễ hội..., nhằm tạo nên những dấu ấn vùng, miền đặc sắc thu hút khách du lịch. "Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, bởi đây là yếu tố quyết định thúc đẩy DLLN phát triển, nhưng hệ thống giao thông liên xã, huyện, tỉnh là những công việc ngoài tầm với của cộng đồng các làng nghề. Nhà nước cũng cần ban hành những chính sách nhằm hạn chế những nghề gây ô nhiễm tại các làng nghề" - TS Tôn Gia Hóa nhấn mạnh.

Du lịch và làng nghề có mối quan hệ tương hỗ. Làng nghề góp phần tạo ra sản phẩm du lịch và du lịch là một trong những kênh tạo đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Hà Nội đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy DLLN phát triển và đây cũng là cách để làng nghề truyền thống không ngừng vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch làng nghề xứng với tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.