(HNM) - Với lợi thế có 110 tuyến sông, rạch, tổng chiều dài lên đến gần 1.000km, thành phố Hồ Chí Minh đang quy hoạch nhằm phấn đấu xây dựng tổng cộng 412 bến thủy nội địa (hiện có 244 bến thủy nội địa) trong giai đoạn 2020-2030. Qua đó, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường thủy, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển của tổ chức, cá nhân.
Chưa phát huy hết lợi thế
Đầu tháng 11-2020, Sở Giao thông - Vận tải đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh đưa vào quy hoạch 412 bến thủy nội địa thuộc Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030", trong đó có 174 bến hàng hóa, 13 bến chuyên dùng, 175 bến hành khách, 28 bến khách ngang sông và 22 bến tổng hợp. Đề xuất này dựa trên cơ sở đề xuất của các sở và UBND 21 quận, huyện thuộc thành phố.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, thành phố hiện có 5 tuyến thủy nội địa quốc gia với chiều dài hơn 131km và 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài gần 600km. Trong đó, có 8 tuyến địa phương (dài gần 40km) đạt cấp quy hoạch, còn lại chưa đạt cấp quy hoạch do bị bồi lắng, chưa được nạo vét đạt độ sâu, chiều rộng luồng theo quy hoạch; tĩnh không, khẩu độ khoang thông thuyền của các công trình vượt sông trên tuyến chưa đạt cấp kỹ thuật... Thành phố có 14 cảng thủy nội địa, chủ yếu tập trung trên các tuyến đường thủy quốc gia. Tổng số cảng, bến thủy nội địa và bến khách ngang sông có giấy phép còn hiệu lực, đang hoạt động là 244 bến. Cũng theo ông Bùi Hòa An, mặc dù thành phố Hồ Chí Minh chưa có quy hoạch chi tiết phát triển bến thủy nội địa, nhưng các tuyến giao thông này đã vận chuyển hàng triệu lượt hành khách và hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm, giúp giảm gánh nặng cho vận tải đường bộ.
Song, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Phạm Ngọc Dũng cho biết, giao thông đường thủy nội địa hiện chưa được đầu tư đúng mức. Cụ thể, đầu tư cho giao thông đường thủy trong 5 năm gần đây chỉ ở mức 1.488 tỷ đồng so với gần 27.300 tỷ đồng cho giao thông đường bộ.
Theo kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng thành phố Hồ Chí Minh, loại hình đường thủy nếu được đầu tư đúng mức sẽ mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với đường bộ, bởi chi phí vận tải bằng đường bộ thường cao hơn 10-60% so với vận chuyển bằng đường thủy. Hơn nữa, giao thông đường thủy nội địa còn có nhiều lợi thế khác như có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, lại ít gây ô nhiễm môi trường.
Ưu tiên đầu tư phát triển các cảng, nâng cấp bến thủy nội địa
Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tính toán, trong 30 năm tới, thành phố cần hơn 21.000 tỷ đồng đầu tư đồng bộ hệ thống đường thủy nội địa nhằm phát huy tối đa lợi thế loại hình này mang lại. Theo Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Nguyễn Ngọc Tường, giao thông - vận tải đường thủy nội địa được quy hoạch đồng bộ sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa, giảm áp lực cho đường bộ, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, giai đoạn 2020-2030, thành phố sẽ thực hiện 72 dự án đường thủy gồm: 4 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020 và 68 dự án giai đoạn 2020-2030, với tổng quy mô hơn 370km. Trong đó, thành phố sẽ tập trung vào 3 hướng liên kết gồm: 4 tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); 3 tuyến kết nối khu Đông thành phố tới cảng Cát Lái (quận 2) và 2 tuyến cảng Vành đai. Đồng thời, nhằm tăng kết nối vùng thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ, thành phố sẽ triển khai 5 tuyến đường thủy nội địa gồm: Thành phố Hồ Chí Minh đi Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây); Hiếu Liêm (sông Đồng Nai); Thị Vải; Bến Súc và Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông). Hướng về các tỉnh Tây Nam Bộ cũng có 5 tuyến đường thủy.
Song song đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ kết hợp phát triển du lịch đường thủy. Theo Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa, thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn, cố gắng sớm hoàn chỉnh các tour du lịch để phục vụ du khách.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin thêm, UBND thành phố sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các cảng, nâng cấp các bến thủy nội địa thành cảng mang tính hiện đại, đa chức năng, kết hợp với các mô hình dịch vụ tiện ích phụ trợ để thu hút hành khách, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Thành phố cũng sẽ đa dạng hóa loại hình phương tiện phục vụ hoạt động du lịch và vận tải hành khách bằng đường thủy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.