Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới

Việt Nga| 23/02/2023 13:52

(HNMO) - Định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư, kinh doanh ra thị trường nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. 

Thị trường trong nước đã quá “chật”

Tại hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay (23-2), ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ về tiềm năng phát triển thị trường nước ngoài của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, doanh thu từ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường trong nước năm 2022 đạt 1,977 tỷ USD (khoảng 46.500 tỷ đồng), trong đó, hơn 40.000 doanh nghiệp trong nước đóng góp khoảng 1,2 tỷ USD (số còn lại thuộc về nhóm nước ngoài). Với xuất khẩu phần mềm ra nước ngoài, 1.000 doanh nghiệp trong nước (với 80.000 kỹ sư) đạt doanh thu khoảng 2,2 tỷ USD. 

Nói cách khác, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so với quy mô nhân lực dịch vụ công nghệ thông tin hiện nay cũng như trong tương lai. Trong khi đó, thị trường phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin thế giới năm 2022 đạt 1.803 tỷ USD. 

“Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực, năng động và sáng tạo, mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết.

Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã ghi dấu ấn trên bản đồ số toàn cầu. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, từ khi mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ năm 2000, đến nay, FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.

Hoặc như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã chinh phục được 10 thị trường kể từ năm 2006. Năm 2022, lần đầu tiên, doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài của Viettel đạt gần 3 tỷ USD.

Hỗ trợ “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp khác

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong hành trình đầu tư, kinh doanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng nhấn mạnh, doanh nghiệp luôn phải tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư. Quan trọng hơn, phải tạo ra giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài và tạo sự khác biệt để cạnh tranh.

Ông Trương Gia Bình cho biết, người đứng đầu doanh nghiệp phải dành 1/3 thời gian ra nước ngoài để tìm hiểu đối tác, khách hàng, thị trường; hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, thị trường bản địa để từ đó tăng cơ hội kinh doanh. 

Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, ông Tào Đức Thắng đề xuất, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp lớn trở thành các “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp khác, tạo sức mạnh cộng hưởng để cùng phát triển. Cùng với đó, cơ quan quản lý sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động tại nước ngoài, như mua - bán, sáp - nhập, thoái vốn tại nước ngoài…

Tương tự, ông Nguyễn Huy, Giám đốc công nghệ Công ty KardiaChain mong muốn, cơ quan quản lý sớm định hình phát triển ngành công nghiệp blockchain tại Việt Nam; đổi mới, tiếp cận các trào lưu công nghệ mới trên thế giới.

Đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài cũng chia sẻ về nhu cầu thị trường sản phẩm dịch vụ số; chính sách thu hút đầu tư của chính phủ các nước; cơ hội hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam. 

Đáng chú ý, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) cho biết, nước này đang thiếu hụt số lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh. Ông Pavel Poskakukhin, Đồng Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech… 

Nhận định đi ra nước ngoài là nhiệm vụ đầy khó khăn, song Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ, đây là sứ mệnh của các doanh nghiệp để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

“Cơ hội lớn nhất khi thế giới có những thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra với nhiều công nghệ mới. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Với quan điểm “Nhà nước mở đường, người đi trước dẫn dắt người đi sau”, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu Chính phủ ký kết các hiệp định về đối tác số với các nước. Mỗi tháng, Bộ sẽ tổ chức ít nhất 1 sự kiện để giúp các doanh nghiệp công nghệ số kinh doanh ở nước ngoài...

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.