(HNM) - Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của nhiều địa phương trong cả nước. Xu hướng này không chỉ là công việc của các nhà hoạch định chính sách mà còn đòi hỏi sự chung tay của các nhà nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp
Tại một hội thảo bàn về những giải pháp quản lý đô thị thông minh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức mới đây, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến cho việc quản lý đô thị thông minh, đặc biệt là thông qua các giải pháp số.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật điện tử, Trường Đại học Giao thông - Vận tải, việc phát triển thành phố, hay đô thị thông minh là ứng dụng trên diện rộng các kỹ thuật điện tử và công nghệ số cho cộng đồng và thành phố, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để biến đổi cuộc sống và môi trường làm việc trong một khu vực, đồng thời áp dụng vào trong hệ thống quản lý nhà nước… Về các giải pháp công nghệ, ông Nguyễn Thanh Hải đề cập tới vấn đề quản lý đô thị thông minh với công nghệ RFID và công nghệ DRSC.
Công nghệ RFID là công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết đối tượng. Với công nghệ DRSC, các kênh liên lạc không dây tầm ngắn, một hoặc hai chiều được thiết kế dành riêng cho việc vận hành ô tô, ứng dụng vào hệ thống cảnh báo khẩn cấp cho xe, cảnh báo va chạm phía trước và giao nhau, kiểm tra an toàn xe, thu phí điện tử… Ngoài ra, thành phố thông minh không thể thiếu công nghệ xử lý ảnh, áp dụng trong hệ thống thu phí, đo đếm mật độ phương tiện, quản lý xe ra vào bến bãi, giám sát hành trình…
Liên quan đến công nghệ xử lý ảnh, ông Nguyễn Chấn Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng của Tập đoàn CMC cho biết, Tập đoàn đang có nhiều nghiên cứu, nhằm phục vụ nhu cầu về thành phố thông minh. Chuỗi nghiên cứu AI0T (trí tuệ nhân tạo và kết nối thiết bị điện tử bằng internet) có khả năng giải quyết bài toán về nhận dạng mặt, nhận dạng vật thể, biển số xe và các bất thường, thiên tai… thông qua trí tuệ nhân tạo kết nối với các camera không chuyên hoặc robot.
Ông Tạ Cao Minh, Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam nhận định, việc xây dựng thành phố thông minh có nhiều vấn đề nan giải, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó, ông đưa ra hai giải pháp, đó là năng lượng mới và giao thông bằng xe điện. Năng lượng mới chú trọng phát triển nguồn năng lượng mặt trời, kết hợp các nguồn năng lượng gió mini cho thành phố. Thành phố thông minh cần xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng cho ô tô điện bằng hệ thống trạm sạc nhanh, nghiên cứu các hình thức lưu trữ năng lượng mới như pin nhiên liệu… Trong tương lai, ô tô điện sẽ kết nối trong các hệ sinh thái V2G (xe tới lưới điện), V2H (xe tới nhà), xe tự lái.
Cần có tiêu chí
Theo Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam Tạ Cao Minh, để phát triển thành phố thông minh, các chính sách hoạch định là yếu tố hết sức quan trọng trong việc phát triển hệ thống giao thông thông minh nói chung và ô tô điện nói riêng. Ông Tạ Cao Minh đề nghị, cần sớm tạo ra bản đồ công nghệ trong lĩnh vực ô tô. Người xây dựng bản đồ đó có thể là các nhà khoa học đã nghiên cứu về ô tô điện. Bên cạnh đó, cần phát triển các lĩnh vực rất có tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam, đó là robotic và năng lượng mới.
Hiện tại, Hà Nội đã dùng công nghệ để giải quyết nhiều thách thức cho phát triển đô thị. Đơn cử như việc thành phố đang xây dựng hệ thống giao thông thông minh, xây dựng hệ thống bản đồ số giao thông, hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu, hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh, hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trường Đại học Giao thông - Vận tải, khái niệm thành phố thông minh ở Việt Nam hiện chưa được tiêu chuẩn hóa. Vì thế, với Hà Nội nói riêng và đô thị Việt Nam nói chung cần xây dựng tiêu chuẩn cho thành phố thông minh. “Lợi thế từ việc này rất lớn. Bên cạnh việc những mục tiêu và chỉ tiêu đánh giá mang tính quốc tế, việc quản trị và cung cấp dịch vụ hiệu quả, chúng ta sẽ xây dựng được khung quy hoạch bền vững, kế thừa được kinh nghiệm của các thành phố đi trước, tăng tính minh bạch và dữ liệu mở để thu hút vốn đầu tư”, ông Nguyễn Thanh Hải cho hay.
Trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp hướng tới thành phố thông minh, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phát triển kinh tế - xã hội bền vững để áp dụng cho các thành phố triển khai thực hiện. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cần xây dựng được hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn chung, để bảo đảm tích hợp một cách có hệ thống, hiệu quả các công nghệ khác nhau trong một hệ thống nền tảng của đô thị thông minh. Đặc biệt, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ hỗ trợ việc phát triển các giải pháp được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Thành phố thông minh cần có các tiêu chuẩn rất quan trọng như: Tiêu chuẩn cung cấp nền tảng cho việc tiếp cận nguồn điện cũng như tất cả thiết bị, hệ thống điện, điện tử, tiêu chuẩn hỗ trợ công nghệ thông tin; tiêu chuẩn hướng dẫn cho các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.