(HNM) - Phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp học sinh, sinh viên vào Đảng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm xây dựng lực lượng kế cận giàu tri thức và khát vọng. Tiềm năng phát triển đảng viên trong các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội được xác định là rất lớn, nhưng để “khai thác” thành công đòi hỏi trách nhiệm cao từ nhiều phía, đặc biệt là làm tốt công tác tạo nguồn.
Khó nhưng không thiếu giải pháp
Hà Nội hiện có 2.835 trường học các cấp, với 138.090 giáo viên, trên 2,2 triệu học sinh và gần 1 triệu sinh viên, học viên theo học. Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên nói chung và kết nạp đảng viên trong lực lượng trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên của Đảng bộ thành phố thời gian qua còn một số hạn chế.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, 5 năm qua, toàn Đảng bộ thành phố mới kết nạp được 17 học sinh, riêng khối các trường trung học phổ thông kết nạp được 6 học sinh vào Đảng. Khó khăn là vậy, nhưng không phải không có giải pháp. Thực tế, không ít tổ chức Đảng trong các trường vẫn rất thành công, có nhiều kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng và kết nạp học sinh vào Đảng.
Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam là một ví dụ. Trong năm học 2021-2022, Đảng bộ nhà trường đã cử 7 đoàn viên ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ đã kết nạp được 3 đảng viên là học sinh. Cô giáo Trần Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, một trong những bài học kinh nghiệm cần thiết là phải phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong công tác định hướng, giáo dục lý tưởng, chính trị, nhận thức về Đảng cho học sinh. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ giáo viên chủ nhiệm theo sát kết quả học tập và rèn luyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng cho các em phấn đấu.
Năm học 2021-2022, Trường Trung học phổ thông Quốc Oai đã kết nạp 1 học sinh ưu tú vào Đảng. Thầy giáo Nguyễn Minh Châu, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, để làm tốt công tác phát triển Đảng trong nhà trường, điều quan trọng là phải tập trung vào việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh. Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ này. Kinh nghiệm của nhà trường là tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề; mời các chuyên gia, cán bộ các cơ quan chuyên môn về thông tin, trao đổi với học sinh. Ngoài ra, nhà trường tích cực đổi mới các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp để học sinh hứng thú khi tiếp nhận thông tin.
Cũng là đơn vị hằng năm đều đặn kết nạp 1 đảng viên mới là học sinh, cô giáo Lương Quỳnh Lan, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sơn Tây chia sẻ, muốn phát triển được nhiều đảng viên từ đoàn viên tất yếu phải làm tốt công tác tạo nguồn. Kinh nghiệm cho thấy, cấp ủy nào, chi bộ nào thực sự sâu sát, đề ra chỉ tiêu kế hoạch cụ thể tạo nguồn đoàn viên ưu tú thì sẽ phát triển được đảng viên là học sinh. Ngoài ra, để thành công, nhà trường nhất định phải giữ mối liên hệ chặt chẽ và tạo sự thống nhất cao với phụ huynh ngay từ khi xác định rõ nguồn phát triển đảng viên là học sinh.
Bí thư đảng ủy, hiệu trưởng phải có trách nhiệm cao hơn
Thực tế, phát triển đảng viên mới không chỉ gặp khó khăn và đạt tỷ lệ thấp ở khối các trường trung học phổ thông. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm trên 10% trong tổng số cơ cấu kết nạp đảng viên của thành phố Hà Nội. Trong khi đó, tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là giáo viên trong khối các trường học cũng mới đạt 3,56%.
Dành sự quan tâm rất lớn đối với công tác phát triển đảng viên trong trường học, từng về dự lễ kết nạp đảng viên là học sinh tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Trung ương Đoàn, Thành ủy Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm đặc biệt tới việc phát triển đảng viên từ những đoàn viên ưu tú là học sinh, sinh viên. Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ có tri thức, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng.
Những vấn đề trên đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của Thành ủy Hà Nội. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc thực hiện công tác phát triển Đảng trong trường học, không chỉ ngành Giáo dục và đào tạo, các nhà trường quan tâm, mà cấp ủy các cấp, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Thành đoàn phải có kế hoạch cụ thể hằng năm... Đặc biệt, bí thư đảng ủy, hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ sớm báo cáo Thành ủy Hà Nội để ban hành hướng dẫn, tiêu chuẩn về kết nạp đảng viên trong học sinh trung học phổ thông. Ban cũng đang hoàn thiện Dự thảo “Đề án về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” để tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy, qua đó tạo bước đột phá mới trong công tác phát triển Đảng, nhất là trong các nhà trường.
Với sự quan tâm và có kế hoạch bài bản, chắc chắn Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng trong trường học, từ đó khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển Thủ đô, đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.