Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển công nghiệp Thủ đô trên nền tri thức

Thanh Mai| 10/10/2014 05:54

(HNM) - Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954) đã mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Dệt vải Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm


Sau khi tiếp quản Thủ đô, nhân dân Hà Nội nhanh chóng bắt tay vào cuộc sống mới bằng ý thức của người làm chủ. Các nhà máy, xí nghiệp cũ đã được phục hồi và mở rộng quy mô, tăng thêm thiết bị máy móc. Một số nhà máy mới đã ra đời vào các năm 1956-1957 như: Thuốc lá Thăng Long, Gỗ dán Cầu Đuống, Diêm Thống Nhất… Từ những năm 1956, các HTX thủ công nghiệp đầu tiên của Hà Nội và cũng là đầu tiên của cả nước đã thành lập. Đó là các HTX Nghĩa Đô, Tiền Phong, xe đay Ô Cách, Thủy tinh Dân Chủ... Hà Nội đã sớm có chủ trương khuyến khích gọi tư nhân bỏ vốn kinh doanh; cho vay vốn và giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó mà tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp tư doanh Hà Nội đã phục hồi nhanh chóng. Công nghiệp Hà Nội (CNHN) đã sản xuất được một khối lượng hàng hóa đáng kể, gồm cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Để đặt nền móng cho một ngành công nghiệp Việt Nam tự chủ, các nhà máy mới đã ra đời tại Hà Nội như: Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Trần Hưng Đạo, Gia Lâm…

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) là một dấu mốc lịch sử quan trọng trên con đường đổi mới toàn diện đất nước. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng CNHN đã có bước chuyển biến đột phá. Đến năm 2000, CNHN đã trải rộng trên 19 ngành, hình thành các nhóm ngành công nghiệp chủ lực là: Cơ khí, dệt may, điện tử và hóa chất. Nhiều sản phẩm CNHN như: biến thế, bóng đèn, phích nước, quạt trần, bia, bánh kẹo, hàng dệt kim… đã được thị trường trong và ngoài nước tín nhiệm. Trên đà phát triển, CNHN đã đề ra phương hướng phát triển mới là ưu tiên những ngành nghề đòi hỏi công nghệ và chất xám cao, kết hợp với các ngành nghề truyền thống, huy động tiềm năng và liên kết các thành phần kinh tế trong nước, đồng thời mở rộng liên kết liên doanh với nước ngoài.

Những năm 2011-2013 là thời kỳ CNHN đối mặt với nhiều khó khăn. Bất ổn của nền kinh tế trong, ngoài nước đã ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất. Dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng giai đoạn này CNHN vẫn thu được một số kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn đạt 15,8%/ năm. Trong bối cảnh cả nước tập trung cao độ vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì các thành tích trên là rất đáng khích lệ. Đây là kết quả của việc điều hành tập trung sát sao, quyết liệt của thành phố. Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu thế mạnh như: dệt may, điện tử, thủ công mỹ nghệ vẫn duy trì được tăng trưởng với kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 500 DN đạt quy mô doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Trong năm 2013, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã thu hút vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều DN đã cấu trúc lại, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh bằng áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến. Nhiều sản phẩm "made in Vietnam" của Hà Nội tiếp tục được người tiêu dùng tín nhiệm…

Từ các thành tựu đã đạt được, CNHN đã, đang đề ra cho mình các định hướng phát triển mới. Theo đó, sẽ tập trung vào công nghiệp công nghệ cao - giá trị gia tăng cao - sáng tạo - tri thức - xanh sạch đẹp. Hà Nội sẽ trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, phát triển công nghiệp dựa trên nền tri thức, trình độ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao của cả nước, tạo nên các sản phẩm chất lượng và giá trị có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước. Đến năm 2030, CNHN đa số là các DN khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. CNHN là công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ cao; tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến sâu với công nghệ và thiết bị hiện đại. Các sản phẩm của CNHN có chất lượng và giá trị cao, mang tính khu vực và quốc tế; có khả năng cạnh tranh và đáp ứng được mọi tiêu chuẩn tiên tiến của các nước phát triển. Chuyên ngành điện tử và công nghệ thông tin và cơ khí chế tạo, cơ điện tử là các ngành công nghiệp chủ lực, chi phối. Các ngành thủ công, mỹ nghệ giữ được sự tinh xảo, độc đáo, mang đặc trưng của Hà Nội phát triển, gắn liền với khoa học công nghệ tiên tiến và bản sắc văn hóa Hà Nội. 

Hà Nội sẽ tập trung phát triển công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm, các khu công nghệ cao, các KCN tập trung; di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch vào các KCN, CCN tập trung. Ưu tiên thu hút đầu tư và có chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở một số lĩnh vực vào các KCN. Theo đó sẽ hoàn thiện, mở rộng, xây mới và đưa vào hoạt động 3 khu công nghệ cao, 24 KCN, 39 CCN, 154 cụm làng nghề… Khu vực phía bắc gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm (khoảng 3.200ha). Khu vực phía nam thuộc Thường Tín, Phú Xuyên, khoảng (1.500ha); Khu vực phía tây là Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn (khoảng 1.800ha).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp Thủ đô trên nền tri thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.