(HNM) - Các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đều có nhận định, thời gian qua những đóng góp của ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) cho việc phát triển kinh tế ở nước ta có mức độ rất thấp.
CNPT chậm phát triển đã dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp nguyên - vật liệu và linh phụ kiện cho các DN sản xuất, lắp ráp, nhất là trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy, dệt may, da giày... Trong khi đó, có 60-80% sản phẩm phụ trợ của các DN sản xuất, lắp ráp phải nhập khẩu, nên đã góp phần gia tăng nhập siêu, làm mất cân bằng cán cân thương mại. Với thực tế đã trải nghiệm của các DN, vấn đề "cốt lõi" hiện nay của ngành CNPT là thiếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và lao động có tay nghề cao...
Tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trong năm nay của ngành công thương bàn về vấn đề phát triển CNPT, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã khẳng định, ngoài những yếu tố về chính sách, vốn, thu hút đầu tư... thì nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng để đưa ngành CNPT phát triển. Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực tốt phục vụ cho ngành công nghiệp này, các ngành chức năng cần phải làm rõ mục tiêu, chiến lược phát triển, từ đó có kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng được yêu cầu về công nghệ sản xuất và quản trị kinh doanh của ngành CNPT.
Trên thực tế, DN vừa và nhỏ (VVN) đóng vai trò chủ yếu trong việc phát triển CNPT. Lâu nay ngành chủ quản thường tập trung vào phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, loại hình công nghiệp này thường do DN Nhà nước đảm nhiệm, nhưng không mấy hiệu quả. Vậy, nên chăng ngành chủ quản cần áp dụng chế độ "thẩm định" với các DNVVN, nhằm sàng lọc xem DN nào đủ điều kiện sẽ đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo để nâng cao trình độ, tay nghề.
Hợp tác với các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện chế độ hướng dẫn thực tế; xây dựng tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; liên kết giữa nhà trường và DN... Sớm làm được điều này, các DNVVN sẽ là những "địa chỉ" tạo ra những sản phẩm phục vụ DN trong nước thực hiện có hiệu quả việc "nội địa hóa", tạo thuận lợi cho việc cân bằng cán cân thương mại, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.