(HNM) - Trong làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ chuỗi khối (blockchain) được xem là một “siêu công nghệ” với rất nhiều công dụng nổi bật, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đem lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội. Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng để bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ chuỗi khối, song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Tiềm năng lớn
Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, như: Nông nghiệp, tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông, y tế, giáo dục…
Tại Việt Nam, blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó công nghệ blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các công nghệ chủ chốt.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), ưu điểm của công nghệ blockchain là khả năng bảo đảm tính bất biến của dữ liệu. Do đó, tiềm năng ứng dụng của công nghệ này tại Việt Nam là rất lớn và khả thi.
Trực tiếp triển khai dịch vụ ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động của doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần đầu tư Digital Kingdom (DGK) Vũ Hồ Vũ cho rằng, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho công nghệ blockchain và không bị giới hạn bởi các ngành nghề. Trong tương lai gần, các hệ thống đều hướng đến việc tích hợp công nghệ blockchain cho các hoạt động trao đổi dữ liệu.
Còn theo Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab (Học viện Bưu chính Viễn thông), đã có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ blockchain vào chuyển đổi số, như: Viettel ứng dụng vào hồ sơ bệnh án điện tử, Misa phát triển hóa đơn điện tử, một số trường đại học tại Việt Nam cũng ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch và công khai văn bằng tốt nghiệp của sinh viên...
Chia sẻ về lợi ích mà công nghệ blockchain mang lại cho y tế Việt Nam, ông Phạm Văn Tuân (Trung tâm Công nghệ lõi Viettel) khẳng định, áp dụng công nghệ blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí. “Blockchain giúp số hóa toàn bộ lịch sử khám, chữa bệnh, các văn bản, hồ sơ bệnh án và nhân bản cho các bên liên quan. Người dân có thể chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình suốt cuộc đời”, ông Phạm Văn Tuân cho hay.
Những vấn đề cần giải quyết
Công nghệ Blockchain vừa có vai trò quan trọng, vừa là xu hướng ứng dụng nổi bật, nên cơ hội nghề nghiệp cho những người có chuyên môn về công nghệ blockchain đang rất rộng mở.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), các cơ sở giáo dục hiện nay đều đã và đang quan tâm tới công nghệ blockchain. Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông đã đào tạo về công nghệ blockchain và ứng dụng của công nghệ này cho bậc đại học và thạc sĩ. Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội có chương trình đào tạo về công nghệ tài chính (Fintech), trong đó công nghệ blockchain là một môn học bắt buộc. Một hình thức đào tạo khác cũng rất hiệu quả cho sinh viên là việc mở các phòng thí nghiệm về blockchain và các công nghệ, kỹ thuật liên quan tại các trường đại học, nhằm giúp sinh viên được làm quen với công nghệ blockchain và các ứng dụng của nó.
Mặc dù ứng dụng công nghệ blockchain đang là xu thế tất yếu và có nhiều tiềm năng lớn, song Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức để phát triển lĩnh vực này. Hiện tại, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng cho công nghệ blockchain. “Nếu có chính sách minh bạch, ưu đãi về thuế, thì không chỉ thu hút bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này, mà còn thu hút được cả các dự án nước ngoài về Việt Nam”, Giám đốc Công nghệ tại Founder Launch Zone Đào Hoàng Thanh chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, có một số vấn đề đặt ra đối với công nghệ blockchain ở Việt Nam hiện nay là pháp lý và quản lý. Về pháp lý, chúng ta chưa có luật nên cần ban hành nghị định thí điểm. Ngoài ra, phải có sự quản lý để phát triển công nghệ số và ứng dụng công nghệ blockchain theo kịp sự phát triển hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ blockchain cũng như nghiên cứu chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để quản lý, thúc đẩy phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.