(HNM) - Nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chuỗi nông sản an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Nhiều chuỗi nông sản phát huy hiệu quả
Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, những năm qua, Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) đã xây dựng chuỗi rau Bắc Hồng. "Với diện tích 100ha, trong đó có 25ha sản xuất theo hướng an toàn, mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 800 tấn rau các loại, mang lại hiệu quả kinh tế 450-500 triệu đồng/ha/năm, nâng cao thu nhập cho nông dân", Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng thông tin.
Nổi tiếng từ lâu, song gà Mía Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Thế nhưng, từ khi tham gia chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ (năm 2018), gà Mía Sơn Tây đã được nhiều đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây Nguyễn Quốc Quân cho biết, với quy mô chăn nuôi 100.000 con gà, hiện chuỗi cung cấp ra thị trường 0,5 tấn thịt gà/ngày và hơn 1 triệu con gà giống/tháng, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Đây là 2 trong số 141 chuỗi liên kết nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội phát huy hiệu quả, tạo nguồn cung thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô. Đánh giá về các chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận xét, các hộ sản xuất, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết giúp gia tăng giá trị sản phẩm lên 10-15% so với khi chưa sản xuất theo chuỗi. Nhiều sản phẩm đã tìm được thị trường, nhiều chuỗi đã tìm được đầu ra ổn định là hệ thống cửa hàng phân phối tiện ích, bếp ăn tập thể...
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị tổng kết dự án chuỗi giai đoạn 2016-2020 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đến nay, cả nước có 1.642 chuỗi liên kết nông sản thì Hà Nội có 141 chuỗi (chiếm 8,8%). Đây là điều kiện thuận lợi cho thành phố kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ... Từ đó, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Thủ đô ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Tạo động lực mới
Việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa, sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi còn lỏng lẻo, với trồng trọt, sản phẩm chưa có tính rải vụ, phần lớn tiêu thụ ở dạng tươi, không qua sơ chế. Còn trong chăn nuôi, việc kết nối các khâu giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm còn khó khăn do chăn nuôi và giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Chưa kể, việc kết nối doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân chưa chặt chẽ dẫn tới giá nông sản không ổn định…
Để mở rộng các chuỗi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, cùng với việc khắc phục hạn chế, huyện sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn gắn với sơ chế, bảo quản sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các chuỗi giới thiệu, bán sản phẩm; kinh phí phân tích mẫu thực phẩm phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng hàng kém chất lượng lưu thông trong chuỗi.
Còn Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thắng Lợi (huyện Đan Phượng) Trần Văn Thắng kiến nghị, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, đặc biệt về nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để tạo động lực mới phát triển các chuỗi nông sản, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố đã và đang đưa ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi về chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm... Mặt khác, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kết nối các đơn vị, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu có lợi thế của từng địa phương với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi phân phối…, từ đó đẩy mạnh phát triển chuỗi nông sản an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.