(HNMO) - Sáng 10-9, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương tổ chức hội thảo quốc gia "Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á". Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên cả nước.
Hội thảo nhằm trao đổi và thảo luận về những chủ đề liên quan tới chuỗi giá trị nông sản, nông nghiệp bền vững; chính sách thương mại hàng nông sản; những thách thức phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết, các vấn đề được đề cập là những vấn đề thời sự, liên quan mật thiết đến bối cảnh thực tế hiện nay, đặc biệt là những vấn đề về phát triển nông nghiệp bền vững; ứng phó khủng hoảng trong dài hạn và ngắn hạn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19... đang được Việt Nam và quốc tế quan tâm.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, quy hoạch phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ trọng nông sản chế biến trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 50-60%; tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trên GDP ngành Nông nghiệp đạt khoảng 20-25%; kinh tế số trong nông nghiệp đạt khoảng 20-25% GDP nông nghiệp...
Trên cơ sở các mục tiêu, TS Nguyễn Quang Dũng cho rằng, cần có giải pháp trong chuỗi giá trị và xác định các mắt xích hiện nay cái gì đã đạt được, cái gì chưa được và vẫn còn tiềm năng để tập trung nhiều hơn nhằm tăng chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Trong khi đó, đánh giá về thách thức và cơ hội đối với hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam bền vững, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động đến các chuỗi giá trị thực phẩm như: Làm đứt gãy chuỗi giá trị; gây nên tình trạng thiếu dịch vụ hậu cần (logistics); tình trạng không có việc làm, lao động di cư; gia tăng chi phí sản xuất và thái độ tiêu dùng có sự thay đổi...
Vì vậy, để bảo đảm các chuỗi giá trị thực phẩm, cần tăng cường kết nối thông tin và điều phối chuỗi giá trị; tăng cường áp dụng an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Quá trình phát triển chuỗi giá trị thực phẩm, cần minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc; đa dạng kênh phân phối, thương mại điện tử...
Cũng tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ, phân tích về các chính sách và thực tiễn các vấn đề đặt ra trong phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á; các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong thương mại nông sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.