(HNM) - Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh xây dựng theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số chuỗi còn rời rạc, chưa hiệu quả...
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nhằm thống nhất việc phát triển và quản lý tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ nông sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, đến nay, thành phố đã hình thành 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút 3.000 hộ chăn nuôi; khoảng 120 doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi... tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.
Ngoài ra, ngành đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, 13 nhãn hiệu hàng hóa... Qua đó, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 60 tấn thịt lợn, 1 tấn thịt bò, 15 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng và khoảng 80 tấn sữa tươi...
Mô hình chuỗi gà đồi Sóc Sơn. |
Theo ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, Hội có khoảng 30 thành viên, quy mô chăn nuôi từ 60.000 đến 70.000 con/năm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, huyện đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhờ đó giá bán cao hơn 10% so với trước khi tham gia chuỗi.
Hoạt động sản xuất rau an toàn từng bước đã được kiểm soát, diện tích sản xuất rau an toàn đạt hơn 5.000ha, trong đó, 224ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ. Sản lượng rau an toàn ước đạt 350.000 tấn/năm, chiếm 58% so với tổng sản lượng của thành phố. Trong đó, thành phố đã thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và địa phương lân cận. Từ đó, tập trung truyền thông, quảng bá, các sản phẩm an toàn theo chuỗi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, để nâng cao chất lượng của các chuỗi, Hà Nội tiến hành khảo sát 140 cơ sở, xây dựng chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản bằng tem điện tử thông minh Qrcode, giúp người tiêu dùng có thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm; khảo sát và hỗ trợ phát triển 2 chuỗi sản xuất kinh doanh thịt, 2 chuỗi sản xuất, kinh doanh rau áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng nhãn hiệu...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết còn chậm; chưa tạo được chuỗi giá trị kinh tế bền vững; sản lượng thực phẩm an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh chưa nhiều. Mặt khác, công tác lấy mẫu giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm chưa được thực hiện ở tất cả, mới tập trung ở một số sản phẩm tươi sống.
“Để tháo gỡ khó khăn cho chuỗi giá trị, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương và doanh nghiệp tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các địa phương hỗ trợ người dân trong liên kết với doanh nghiệp tìm "đầu ra" cho sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi ứng dụng tem điện tử thông minh nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng..." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.