(HNM) - Năm 2019, chợ phiên nông sản an toàn thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì và mở thêm các điểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu mua nông sản sạch của người dân.
Chợ phiên nông sản an toàn là chuỗi chương trình có ý nghĩa do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các ban, ngành, quận, huyện tổ chức nhằm hỗ trợ điểm bán, kết nối tìm đầu mối tiêu thụ nông sản sạch cho người dân thành phố. Chợ phiên được ra đời từ tháng 8-2016 với điểm bán đầu tiên tại số 195-197 đường Cao Thắng, quận 10. Đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động, mô hình này đã được tổ chức tại 10 địa điểm trên địa bàn các quận như: 1, 2, 3, 5, 6, 10, 11, Bình Tân, Tân Bình. Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, chợ phiên nông sản an toàn sẽ được khởi động lại vào ngày 9 và 10-3.
Do có uy tín, chất lượng nên ngày càng có nhiều người đến chợ phiên để mua nông sản sạch. Khách hàng Bùi Thị Hoa (ngụ tại phường 1, quận 5) từng mua sắm tại chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức ở Trung tâm Văn hóa quận 5, thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Nông sản bán trong chợ phiên được kiểm định, đạt các chứng chỉ sản xuất thực phẩm an toàn nên tôi rất yên tâm. Mặc dù giá cả các mặt hàng có cao hơn chợ truyền thống nhưng tôi vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua”.
Với các nông dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã thì việc tham gia chợ phiên sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ ban tổ chức. Chị Bùi Thị Thảo, nhân viên Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12) cho biết: “Khi tham gia chúng tôi được hỗ trợ quầy, điểm bán hàng miễn phí, được trưng bày sản phẩm rau sạch, các sản phẩm từ da cá sấu do nông trại nuôi và sản xuất. Tham gia chợ phiên giúp chúng tôi quảng bá, kết nối với doanh nghiệp hiệu quả”.
Còn chị Nguyễn Thị Nhiệm, thành viên Hợp tác xã Thuận Yến (huyện Cần Giờ) cho hay: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia chợ phiên nông sản an toàn để giới thiệu sản phẩm yến sạch đến người tiêu dùng. Đây là cầu nối đưa người dân, đối tác và bên cung ứng gần nhau hơn”.
Cũng nhờ chợ phiên nông sản an toàn mà nông dân, các đơn vị mở rộng được diện tích sản xuất nông nghiệp sạch. Theo báo cáo, qua 2 năm triển khai bán hàng tại chợ phiên, các đơn vị tham gia đã tăng được 130ha diện tích sản xuất, sản lượng tăng thêm tương ứng 20.000 tấn/năm. Ông Bùi Văn My - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các chợ phiên được mở mỗi tuần một ngày, trong khoảng thời gian từ 6h đến 12h. Trung bình mỗi phiên chợ có 22 đơn vị tham gia, với doanh thu 195 triệu đồng/phiên. Tính bình quân, một phiên chợ thu hút 500-1.000 lượt khách mua sắm, tìm kiếm đối tác đầu tư, thu mua sản phẩm sạch, an toàn”.
Theo ông Bùi Văn My, tuy gặp nhiều khó khăn trong công tác tìm kiếm mặt bằng tổ chức chợ phiên nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch mở thêm 5 điểm chợ trong năm 2019. Đồng thời, chợ phiên sẽ hướng đến sự thay đổi cách thức quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác tổ chức. "Tuy có chủ trương xã hội hóa mô hình chợ phiên nhưng trước mắt các phiên chợ vẫn do các cơ quan nhà nước trực tiếp phối hợp tổ chức. Các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia mong muốn có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm chất lượng hàng hóa, giữ niềm tin của người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ hình thành các câu lạc bộ gồm những đơn vị tham gia chợ phiên để tăng tính tự quản, giám sát lẫn nhau giữa các đơn vị phân phối sản phẩm tại phiên chợ”, ông Bùi Văn My cho hay.
Trước đó, Ban Tổ chức chợ phiên quy định, các sản phẩm tham gia chợ phiên phải đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Các chợ phiên đều có người của Ban Tổ chức thực hiện kiểm tra thường xuyên, lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các đơn vị tham gia phải có hệ thống cửa hàng cung ứng, giúp khách hàng liên hệ cung cấp khi có nhu cầu ngoài thời gian diễn ra phiên chợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.