Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi và cây trồng trong những ngày rét đậm, rét hại...
Chủ động để không gây thiệt hại về kinh tế
Những ngày này, thời tiết miền Bắc xảy ra rét đậm đột ngột, đêm và sáng nhiệt độ xuống thấp, có thời điểm xuống còn 10-12 độ. Trong khi đó, chỉ còn gần 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hộ nông dân đang tập trung chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồng cung cấp thực phẩm ra thị trường. Để không bị thiệt hại về kinh tế, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi và cây trồng.
Gần đây, các hộ chăn nuôi đã quan tâm tới việc phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm nhưng vẫn bị thiệt hại. Theo ông Bùi Đình Chung ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội), gia đình ông nuôi khoảng 150 con gà chuẩn bị bán trong dịp Tết Nguyên đán. Mấy ngày hôm nay, thời tiết chuyển rét đậm, nên để không xảy ra thiệt hại về kinh tế, gia đình đã quây kín chuồng trại và thắp điện sưởi ấm cho gia cầm.
Còn theo bà Trần Thị Dần ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội), vụ đông năm nay, gia đình trồng 1,5 mẫu rau, với các giống chủ yếu là củ cải, cải chíp, cải ngồng, cải Đông Dư... Thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 30-50 ngày (tùy thời tiết và tùy loại rau). Khi thời tiết chuyển rét đậm, ban đêm có sương muối, để không ảnh hưởng năng suất cây rau, đặc biệt là những diện tích rau mới gieo trồng, nông dân dùng biện pháp che phủ nilon...
Nhận định về tình hình thời tiết ảnh hưởng cây trồng, vật nuôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, vụ đông 2023-2024, Hà Nội gieo trồng hơn 28.000ha cây rau màu, tổng đàn lợn 1,48 triệu con, 28,9 nghìn con trâu, 129,6 nghìn con bò và hơn 41,9 triệu con gia cầm.
Thực tế, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn nhỏ lẻ, đặc biệt là số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm 60% tổng đàn. Ở các xã miền núi, một bộ phận không nhỏ hộ chăn nuôi còn chủ quan, chưa quan tâm thực hiện biện pháp phòng, chống đói, rét, bảo vệ đàn gia súc như: Chưa làm chuồng trại, chuồng trại không che chắn hoặc che chắn không bảo đảm, chưa chủ động dự trữ thức ăn, nhất là các xã miền núi. Ngoài ra, nhiều diện tích rau mới xuống giống, nông dân chưa kịp che phủ nilon ảnh hưởng bởi sương muối cũng có thể gây thiệt hại về kinh tế.
Cũng về vấn đề này, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tống Xuân Chinh, hằng năm vẫn xảy ra tình trạng trâu bò chết ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cây trồng cũng thiệt hại. Nguyên nhân chủ yếu do rét đậm, rét hại, ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các tỉnh phía Bắc quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, trên 80%; điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn hạn chế, thiếu kiến thức về phòng, chống dịch bệnh; xử lý ô nhiễm môi trường và vệ sinh chuồng trại chưa thường xuyên...
Không chủ quan và bị động
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới, thời tiết miền Bắc tiếp tục có rét đậm. Để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, ngành Nông nghiệp cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Cùng với đó, áp dụng các biện pháp phòng, chống các bệnh liên quan đến mùa rét như cước chân, thường xuyên theo dõi tình hình đàn gia súc, gia cầm; phát hiện kịp thời vật nuôi ốm để cách ly xử lý, thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn bị thiệt hại.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lưu Thị Hằng, trong những ngày này, thời tiết rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, khuyến cáo nông dân không gieo trồng gối vụ các loại rau màu khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 15 độ C.
Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, người dân cần thu hoạch sớm, đúng lứa, bảo đảm năng suất, tránh thiệt hại; sử dụng nilon, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che, nhà lưới, nhà màng để phòng chống rét cho các loại cây trồng; đồng thời chăm sóc, tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng từng cây trong những ngày rét đậm; bón phân đầy đủ, cân đối để cây trồng khỏe mạnh, tăng khả năng chống rét. Đặc biệt, những ngày có sương muối, giá buốt, người dân cần phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để giữ được đà tăng trưởng của ngành Nông nghiệp cho năm sau phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi và cây trồng trong vụ đông xuân này. Do đó, đề nghị các cơ quan chuyên môn cần đánh giá mức độ rủi ro về đợt rét đậm, rét hại, từ đó, từng địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, cây trồng; thông tin kịp thời, thường xuyên về các đợt rét đậm, rét hại để người dân biết, không chủ quan, chủ động phòng, chống cho cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn nông dân che chắn chuồng trại bảo đảm giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C; dự trữ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc, thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, gia súc thả rông về nơi nuôi nhốt an toàn để tránh rét; không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, nhất là thời điểm rét đậm, rét hại có mưa phùn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.