Công nghệ

Phát triển các trung tâm dữ liệu: Hạ tầng của trí tuệ nhân tạo

Việt Nga 30/05/2024 - 06:31

Quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Từ đó, thị trường trung tâm dữ liệu (IDC) - hạ tầng của AI, phát triển mạnh trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-8% đến năm 2030. Trước xu thế này, các doanh nghiệp công nghệ số trong nước cũng đã chuyển hướng đầu tư IDC nhằm đáp ứng cho các ứng dụng AI…

cntt.jpg
Kỹ sư VNPT vận hành hệ thống trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Văn Phong

IDC siêu lớn và “xanh”

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường IDC mới nổi, tăng trưởng đạt 13,7%/năm, nhưng so với các nước trong khu vực, quy mô còn nhỏ. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, Việt Nam mới có 32 IDC, chiếm khoảng 1% số lượng IDC toàn cầu. Số lượng IDC của Việt Nam ngang bằng với Thái Lan, bằng 2/3 của Malaysia (46 IDC), gần bằng 1/3 so với Singapore (105 IDC) và Indonesia (100 IDC).

Trong vòng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp cũng đã lần lượt đầu tư, khai trương các IDC mới, hiện đại. VNG đã đưa trung tâm dữ liệu mới ở Khu chế xuất Tân Thuận (thành phố Hồ Chí Minh) vào hoạt động, với 1.600 rack (tủ lắp đặt máy chủ - server). CMC đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu Tân Thuận, với quy mô 1.200 rack. Cuối năm 2023, VNPT đưa IDC mới tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào hoạt động, với 2.000 rack. Tháng 4-2024, Viettel khánh thành IDC tại Hòa Lạc, với công suất 2.400 rack. FPT cũng sẽ khai trương IDC mới tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, Việt Nam vẫn chưa có IDC lớn. Các IDC của VNPT, Viettel tại Hòa Lạc thuộc loại vừa, trung tâm loại lớn ít nhất có 5.000 rack. Cứ 3 năm, dữ liệu trên thế giới lại tăng gấp đôi. Dữ liệu của Việt Nam tăng nhanh hơn, như vậy, mỗi năm phải khánh thành ít nhất 3 IDC mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Luật Viễn thông năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) đã chính thức đề cập đến khái niệm hạ tầng số. Hạ tầng số Việt Nam gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán, hạ tầng cung cấp công nghệ (như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng). Trong phát triển hạ tầng số, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, hạ tầng dữ liệu là bộ phận quan trọng nhất. Các nhà mạng phải đi đầu về hạ tầng trung tâm dữ liệu có dung lượng siêu lớn, phải xanh, thông minh, mở và an toàn.

IDC cho ứng dụng AI

Phân tích về việc các doanh nghiệp đầu tư IDC mới để phục vụ hạ tầng cho AI, các chuyên gia cho biết, tốc độ bùng nổ nhu cầu về dữ liệu ngày càng lớn, do vậy phải cần đến các IDC là nơi lưu trữ, xử lý
dữ liệu. Đặc biệt, sự phát triển của AI tạo sinh (GenAI) được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp, tổ chức, đòi hỏi cần nhu cầu về IDC có công suất lớn.

Phó Giám đốc Viettel IDC Lê Hoài Nam thông tin thêm, Viettel nhìn thấy tiềm năng ở thị trường trung tâm dữ liệu, khi quá trình chuyển đổi số đang phát triển. Sau khi các nhà mạng chính thức kinh doanh dịch vụ 5G, nhu cầu về dữ liệu còn bùng nổ nữa. “Người dùng ngày càng thông minh hơn, nhu cầu càng cao hơn nên bắt buộc phải có các trung tâm dữ liệu. Chắc chắn dịch vụ IDC sẽ phát triển”, ông Lê Hoài Nam khẳng định.

Cũng theo đại diện Viettel, điểm khác biệt là để phục vụ cho hạ tầng AI, IDC phải được thiết kế với công suất lớn và phải bảo đảm vận hành đạt độ tin cậy rất cao. Ví dụ máy tính xử lý 1 tỷ phép tính/giây cũng tiêu hao năng lượng tương đương với máy xử lý 3 tỷ phép tính/giây, nên đầu tư máy tính hiện đại ngay từ đầu chính là giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Còn theo đại diện Công ty cổ phần VNG, thị trường châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực rất sôi động của các sáng kiến AI. Ứng dụng của AI trải dài từ ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho đến ngành sản xuất, vận tải, thương mại, điện tử, viễn thông, y học… Theo Market Data Forecast (đơn vị cung cấp báo cáo thị trường trụ sở tại Ấn Độ), thị trường AI khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng 39,93%/năm trong giai đoạn 2024-2029, tăng từ 66,38 tỷ USD năm 2024 lên 356,13 tỷ USD năm 2029.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp phải thách thức trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và chuyên môn cần thiết để khai thác các dự án AI hiệu quả. Vì vậy, mới đây VNG đã công bố hợp tác chiến lược với NVIDIA và các đối tác quốc tế, giúp khách hàng toàn cầu tiếp cận và khai thác nền tảng AI cloud (một nền tảng điện toán đám mây được tối ưu hóa để cung cấp và hỗ trợ các dịch vụ AI; giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng sử dụng AI mà không cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng phức tạp). VNG là một trong những đơn vị đầu tiên sở hữu nhiều máy chủ NVIDIA DGX H100 đặt tại trung tâm dữ liệu ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa thông tin, để phục vụ cho chuyển đổi số, FPT sẽ đưa vào hoạt động IDC mới tại thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư hệ thống siêu máy tính phục vụ xây dựng các hạ tầng tính toán cho chuyển đổi số. FPT cũng đầu tư các tuyến cáp quang biển và đất liền để bảo đảm kết nối cho khách hàng trong mọi tình huống.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cũng cho biết, ngoài việc khai trương Trung tâm IDC Hòa Lạc, VNPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới tầm cỡ khu vực và thế giới, sử dụng công nghệ xanh, bền vững, để đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp chuyển đổi số quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển các trung tâm dữ liệu: Hạ tầng của trí tuệ nhân tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.