(HNM) - Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội vừa trải qua một năm 2011 đầy biến động với những khó khăn, thách thức vô cùng gay gắt tưởng như khó có thể vượt qua do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Song với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, được nhân lên bằng khí thế, nhiệt huyết của cả thành phố vừa tròn nghìn tuổi, Thủ đô đã đạt được những thành quả lớn về kinh tế - xã hội. Đây cũng là tiền đề cho bước phát triển trong năm 2012 và những năm tiếp theo của Hà Nội.
Ngay khi đất nước vừa bước vào năm mới 2012, thêm một niềm cổ vũ lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô khi ngày 6-1-2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020. Nghị quyết khẳng định: Trong 10 năm tới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của Thủ đô và cả nước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước...
Trước đó, trong giai đoạn 10 năm (2001-2010), thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII về nhiệm vụ, phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010 trong bối cảnh vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức chung của cả nước, kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và tương đối ổn định, tổng sản phẩm (GDP) tăng bình quân 10,85%/năm, cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng GDP của cả nước. Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đều có những thành tựu, bước tiến mới. Lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị được thực hiện quyết liệt, nhiều mặt có chuyển biến tích cực. Việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả đáng khích lệ...
Đặc biệt, Hà Nội thực hiện thành công Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính; tổ chức bộ máy và cán bộ của các cơ quan trong hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn đồng bộ, ổn định và đi vào hoạt động có hiệu quả sau khi hợp nhất.
Song, với vị thế của thành phố nghìn tuổi đang bước vào thiên niên kỷ thứ hai, mang trọng trách của người "anh cả" của cả nước, Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục phải tích cực, chủ động thúc đẩy sự phát triển, làm định hướng cho các địa phương khác trong vùng, khẳng định được vị trí đầu tàu tăng trưởng, không chỉ của vùng mà của cả nước. Qua đó, nâng lên vị thế của Hà Nội đối với quốc tế. Năm 2011 vừa qua đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng với Hà Nội khi được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hai quy hoạch đã vẽ nên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội và hình ảnh Thủ đô trong vài chục năm tới. Đây là cơ sở, tiền đề để thành phố xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết; xác định các chương trình, dự án; công trình ưu tiên nghiên cứu và đầu tư xây dựng; các nhiệm vụ, phân cấp, cơ chế, chính sách huy động đầu tư, xây dựng; các quy chế quản lý và tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh phát triển các sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học, y tế, thể dục thể thao; giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Quy hoạch cũng sẽ là những định hướng căn bản cho phát triển kinh tế - xã hội và cũng là căn cứ để đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 sẽ là một cơ sở, một định hướng quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với sự quan tâm tạo điều kiện của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tự tin trên con đường phát triển bền vững, phấn đấu về đích trước cả nước trong thời gian 1-2 năm, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.