(HNM) - Thời gian qua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan, tăng cả diện tích, sản lượng, và giá trị. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo ông Đỗ Huy Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hà Nội, qua 5 năm tái cơ cấu ngành thủy sản, Hà Nội đã nâng cao nhận thức người dân về kỹ thuật nuôi trồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn vị đã hỗ trợ thuốc khử trùng, hóa chất và chế phẩm sinh học để xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị cho 8 cơ sở sản xuất giống, hỗ trợ đàn cá bố mẹ hậu bị và thay thế đàn cá bố mẹ cho 11 cơ sở giống… Nếu như năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản là 20.707ha, sản lượng 70.488 tấn, năng suất 3,4 tấn/ha thì đến năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 21.200ha, sản lượng tăng lên 105.400 tấn, năng suất đạt 5 tấn/ha.
Nuôi trồng thủy sản đã thu hút được hơn 21.000 hộ, qua đó tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào an sinh xã hội. Ông Đặng Văn Hộp ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) minh chứng: “Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn của cơ quan chức năng, nhận thức của người dân về nuôi trồng thủy sản được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ nuôi quảng canh, đến nay hơn 100ha thủy sản trên địa bàn xã đã chuyển sang nuôi thâm canh".
Tuy nhiên, thực tế nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chế biến sau thu hoạch. Từ năm 2013, Hà Nội đã phê duyệt quỹ phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng năm 2030. Theo đó sẽ xây dựng 13 dự án nuôi trồng thủy sản tập trung tại 10 huyện với diện tích 2.400ha. Đến nay, mới có 2 dự án đã được đầu tư tại huyện Ứng Hòa và Thường Tín; còn lại 11 dự án chưa được triển khai.
Nhiều dự án trong danh mục quy hoạch như: Đầu tư xây dựng Trung tâm Giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao; xây dựng mô hình và áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); Dự án nâng cấp và cải tạo chợ cá đầu mối Yên Sở; Dự án hỗ trợ hạ tầng cơ sở chế biến thủy sản nước ngọt… đều chưa được triển khai.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi chia sẻ: "Nguồn nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản của huyện còn gặp khó khăn; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xử lý nguồn nước, nâng cao năng suất còn hạn chế, dễ lây lan dịch bệnh trong vùng khi có dịch. Là huyện nuôi trồng thủy sản lớn nhưng hiện Ứng Hòa chưa có cơ sở chế biến và chợ đầu mối; 100% số hộ nuôi trồng thủy sản phải "tự sản tự tiêu"...
Theo Phó Giám đốc Sở NN &PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, chính sách đầu tư cho phát triển thủy sản còn ít, một số chính sách còn chưa phù hợp với thực tế; nguồn lực đầu tư cũng chưa tương xứng với tiềm năng; bộ máy quản lý thủy sản từ trung ương tới địa phương chưa đồng bộ, lực lượng cấp huyện, xã rất "mỏng".
Do vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát lại các chính sách đã ban hành, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng chủ động sản xuất giống chất lượng cao, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa các đối tượng nuôi nước ngọt với các loài cá truyền thống; ưu tiên các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá lăng, chép giòn, trắm đen…
Ngoài ra, tiếp tục phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước; áp dụng VietGAP, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức sản xuất theo chuỗi từ nuôi trồng, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản theo vùng, theo đối tượng nuôi; hỗ trợ hạ tầng chợ cá đầu mối, các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm qua sơ chế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.