(HNM) - Vùng bờ biển nước ta chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, có thể phát triển hệ thống cảng, khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch... Vì vậy, rất cần một
Nguồn tài nguyên đa dạng
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vùng bờ biển nước ta đóng vai trò rất quan trọng về mặt sinh thái học, cung cấp một lượng lớn “dịch vụ hàng hóa và môi trường”. Trong vùng biển và đới bờ Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện được 11 nghìn loài sinh vật cư trú ở hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau; trong đó phong phú nhất là vùng biển Móng Cái - Đồ Sơn, Hải Vân - Đại Lãnh và Đại Lãnh - Vũng Tàu.
Trên dải ven biển Việt Nam còn hiện diện các vùng đất ngập nước, với các kiểu khác nhau, chủ yếu thuộc về nhóm đất ngập nước theo triều có môi trường nước lợ, phân bổ từ mức triều cao xuống đến độ sâu 6m nước. Đất ngập nước ven biển, với bản chất môi trường nước lợ và ngọt, tập trung ở hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long lên tới 7,5 triệu héc ta. Các hệ sinh thái đất ngập nước này đóng vai trò quan trọng trong điều hòa và cung cấp nước, giữ ổn định mực nước ngầm, cung cấp 1,1 triệu héc ta cho nuôi trồng thủy sản, 500 nghìn héc ta trồng lúa, cói và làm muối.
Do đó, việc phát triển các ngành kinh tế theo hướng bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái biển có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Và với tính chất đa dạng đó, rất cần một "nhạc trưởng" điều phối các ngành, lĩnh vực, địa phương cùng phát triển hài hòa.
Đâu là "nhạc trưởng"?
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đang hoàn thiện Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2035 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017-2025. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang lấy ý kiến của 28 tỉnh, thành có biển và các bộ, ngành, để quy hoạch có được sự đồng thuận cao, có thể trở thành "nhạc trưởng" điều phối các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội biển, đảo Việt Nam.
Theo ông Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, quy hoạch định hướng, tập trung vào tài nguyên và môi trường biển, chú trọng đến giá trị của các hệ sinh thái biển và sự hợp lý về nhu cầu khai thác, sử dụng biển của các ngành. Hầu hết các vùng đều sử dụng đa mục tiêu, song có các mức độ ưu tiên khác nhau đối với mỗi loại hình.
Quy hoạch cũng dựa trên 3 nhóm tiêu chí chính để phân vùng biển, bao gồm: Nhóm tiêu chí về bảo vệ, bảo tồn (có các sinh cảnh, hệ sinh thái ven bờ như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, bãi triều, cửa sông...); nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế (có ưu thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và vị thế để phát triển các ngành kinh tế biển như dịch vụ cảng, đường thủy, du lịch…); nhóm tiêu chí về quốc phòng, an ninh (có vị trí chiến lược và yêu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn trên biển).
Các chuyên gia cũng đồng tình, để quy hoạch đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ hoạt động cấp phép, giám sát; đồng thời có chế tài xử lý vi phạm trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Đặc biệt, các chuyên gia kiến nghị thiết lập hệ thống kiểm soát và xử lý sự cố môi trường biển quốc gia nhằm giám sát, giải quyết kịp thời các nguy cơ về môi trường, không để gây ra hậu quả nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.