(HNM) - Trường công lập quá tải, các nhóm lớp tư thục hạn chế về cơ sở vật chất... là mối lo của phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non tại nhiều địa phương có khu công nghiệp, trong đó có Hà Nội. Thành phố đã, đang có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển bền vững giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu người dân ở khu vực này.
Gần 50% số trẻ là con công nhân được học trường mầm non
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018-2019, toàn thành phố có gần 550.000 trẻ theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập. Tính trung bình, mỗi năm số trẻ mầm non đến trường tăng từ 25.000 đến 30.000 trẻ, trong đó các địa bàn có khu công nghiệp là nơi số lượng trẻ tăng khá mạnh.
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút gần 150.000 công nhân lao động. Trong đó có 60% là nữ giới và phần lớn đều đang ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, số trẻ là con nữ công nhân được chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non còn hạn chế. Đến nay mới có hơn 6.000 trẻ được gửi ra lớp, chiếm gần 50% tổng số trẻ là con nữ công nhân trong độ tuổi.
Tìm hiểu thực tế tại một số địa bàn có khu công nghiệp như xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), xã Kim Chung (huyện Đông Anh), phường Phúc Lợi (quận Long Biên)... hầu hết trẻ dưới 12 tháng tuổi đều được chăm sóc tại gia đình. Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh cho thấy, năm 2018 chỉ riêng xã Kim Chung (Khu công nghiệp Thăng Long đang hoạt động), có gần 3.100 trẻ là con công nhân, nhưng còn hơn 1.600 trẻ chưa được đến trường, chiếm tỷ lệ gần 54%.
Thực trạng trên chủ yếu do tại các địa bàn có khu công nghiệp còn thiếu trường mầm non. Chị Đinh Thị Mai ở làng công nhân, Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết: Cả xã chỉ có một trường mầm non công lập nhưng đã quá tải, vợ chồng tôi phải gửi một cháu 5 tuổi sang trường công lập xã Ngọc Hòa ở bên cạnh. Dù là đối tượng trái tuyến, đi học xa hơn, song chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Còn một cháu đã hơn 2 tuổi, nhưng chưa tìm được chỗ gửi, nên bà nội phải trông giúp.
Việc thiếu chỗ học còn kéo theo tình trạng nhiều nhóm lớp tư thục, dù chưa đủ điều kiện cũng mở cửa chiêu sinh. Theo bà Đặng Thị Yến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ, trên địa bàn huyện hiện có 7 nhóm lớp tư thục được cấp phép, tập trung ở xã Phú Nghĩa. Có thời điểm số nhóm lớp tư thục tăng nhanh khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng trường học
Là địa phương có quy mô trẻ mầm non lớn nhất cả nước, thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn cho “vùng trũng” của giáo dục mầm non, trong đó ưu tiên đặc biệt cho việc đầu tư xây dựng trường học tại các địa bàn có khu công nghiệp, nhằm giải quyết việc thiếu chỗ gửi con của công nhân.
Theo bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh, năm 2015, UBND thành phố đã đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng tại xã Kim Chung một trường mầm non công lập dành riêng cho con em công nhân Khu công nghiệp Thăng Long. Trước áp lực ngày càng tăng về số lượng trẻ trên địa bàn xã này, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện một điểm trường để bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 9-2019 tới. Ngoài ra, UBND huyện cũng đang triển khai thủ tục xây dựng một trường mầm non ở xã Võng La - là địa bàn giáp với khu công nghiệp...
Với mục tiêu không để trẻ thiếu chỗ học, nhiều địa phương có khu công nghiệp cũng đang tích cực trong việc bổ sung trường học mầm non. Huyện Mê Linh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng 2 trường mầm non là Quang Minh A và Quang Minh B với tổng kinh phí 100 tỷ đồng; huyện Sóc Sơn lập kế hoạch xây dựng Trường Mầm non Trung Giã với kinh phí đầu tư 50 tỷ đồng; huyện Chương Mỹ có dự án Trường Mầm non khu công nghiệp Phú Nghĩa với kinh phí ban đầu hơn 13 tỷ đồng…
"Cởi trói" về cơ chế
Luật Giáo dục vừa được thông qua ngày 14-6-2019 với chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp là căn cứ pháp lý tháo gỡ căn bản những khó khăn, vướng mắc, tạo "cú hích" mới tháo gỡ những bất cập nêu trên.
Không chỉ khẳng định vị thế của giáo dục mầm non “là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam”, Luật Giáo dục vừa ban hành còn xác định chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, tạo căn cứ pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc căn bản của giáo dục mầm non hiện nay.
Mặc dù tới tháng 7-2020, Luật Giáo dục mới có hiệu lực, song với cơ sở pháp lý này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển giáo dục mầm non ở khu vực này một cách toàn diện.
Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngoài việc đề xuất các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường học để giải quyết việc thiếu chỗ học cho trẻ, Bộ dự kiến đề xuất hỗ trợ chi phí học tập với mức 100.000 đồng/trẻ/tháng và hỗ trợ chi phí ăn trưa cho trẻ là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp theo học ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang nghiên cứu đề xuất hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non tại khu vực các khu công nghiệp hoặc hằng tháng hỗ trợ cho họ một khoản tiền bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở dự kiến đề xuất thành phố có cơ chế buộc các chủ đầu tư khi xây dựng các nhà máy, xí nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng trường học, không để tình trạng trường học tại địa phương gánh thêm những áp lực từ việc gia tăng nhu cầu chỗ học. Đây cũng là giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi, công bằng cho mọi trẻ ở độ tuổi mầm non, không để bất kỳ trẻ nào bị thiệt thòi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.