(HNM) - Luôn xác định an toàn thực phẩm là vấn đề trọng tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, thời gian qua, nhiều quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhờ đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra
Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, từ đầu năm 2022 cho đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 1.206 lượt cơ sở, trong đó có 21 cơ sở sản xuất, 91 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 973 cơ sở dịch vụ ăn uống và 121 cơ sở thức ăn đường phố. Kết quả, toàn quận đã xử phạt 88 trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với tổng số tiền hơn 146 triệu đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu là không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh...
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa cho biết, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, cơ quan chức năng của quận còn phối hợp với Trung tâm Y tế quận, UBND các phường tổ chức giám sát, hướng dẫn tư vấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe, tập huấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm và hướng dẫn các tiêu chí về an toàn thực phẩm, kiểm soát nguyên liệu chế biến thực phẩm cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Nhờ đó, ý thức trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của người chế biến, người kinh doanh thực phẩm được nâng lên.
Tương tự, tại quận Hai Bà Trưng, ngay từ đầu năm cũng đã duy trì hoạt động hiệu quả của 23 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, quận luôn chú trọng công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy định an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch. Khi phát hiện cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng của quận kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ cơ sở không đủ điều kiện. Cùng với đó, quận đã công khai tên, địa chỉ cơ sở vi phạm để người dân được biết.
Mới đây, quận Hai Bà Trưng đã công bố danh sách 39 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm từ ngày 16-6 đến 30-7 trên cổng thông tin điện tử của quận. Theo đó, 39 cơ sở này bị xử phạt hơn 130 triệu đồng, trong đó có 7 cơ sở do UBND quận kiểm tra và 32 cơ sở do UBND các phường kiểm tra. Đơn cử như: Cơ sở Pizza 4PS số 2 (địa chỉ tại 114 Mai Hắc Đế) bị phạt 4 triệu đồng với nội dung vi phạm “nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập”; cơ sở cơm gà Hải Nam (số 3 Lê Đại Hành) bị phạt 8 triệu đồng do không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; cơ sở chi nhánh Công ty cổ phần Inks Asia tại Hà Nội (50 Triệu Việt Vương) kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt 25 triệu đồng; cơ sở Trường Hải (109 Triệu Việt Vương) kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực bị phạt 12,5 triệu đồng…
Tại huyện Đan Phượng, thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn được coi trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và của 16 xã, thị trấn đã kiểm tra được 1.736 lượt cơ sở thực phẩm. Kết quả, 93,7% lượt cơ sở được kiểm tra đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm. Còn lại số cơ sở không đạt yêu cầu chủ yếu là về truy xuất nguồn gốc thực phẩm như: Chưa có sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm, sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm ghi chép không đầy đủ… Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm nên từ đầu năm đến nay, toàn huyện không có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra.
Tăng cường hậu kiểm, giám sát
Nhờ việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, người kinh doanh nên năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quận Cầu Giấy không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Viên cho rằng, vẫn có cơ sở bày bán hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ, bao bì không bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm, không có dụng cụ bảo quản riêng đối với thực phẩm sống - chín, điều kiện bảo quản thực phẩm không đáp ứng đầy đủ theo quy định…
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả tốt hơn, ông Nguyễn Đức Viên cho rằng, các sở, ngành cần hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ đầu mối phụ trách an toàn thực phẩm cấp quận, phường; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quét mã vạch trong công tác xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Cùng với đó, ban hành chỉ tiêu chất lượng cho từng đối tượng hay nhóm ngành hàng để có căn cứ yêu cầu cơ sở sản xuất thực hiện xét nghiệm trước khi làm thủ tục tự công bố sản phẩm theo quy định.
Đề cập đến một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa, quận sẽ tiếp tục tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, kiểm tra các cơ sở theo phân cấp, đặc biệt là tăng cường kiểm tra đột xuất, tập trung hậu kiểm sau công bố, giám sát nghiêm việc khắc phục sai phạm của cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.