(HNM) - Trong giai đoạn 2011-2015, các chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện một cách khả quan.
Điển hình là tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam đạt khoảng 2% GDP; mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm; Việt Nam cũng đã tuân thủ hoàn toàn 13/26 nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm theo thông lệ quốc tế (đạt 50%)... Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kế hoạch huy động nguồn thu, hỗ trợ bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước.
Kết quả nêu trên là rất đáng khích lệ, nhưng điều quan trọng hơn là thị trường bảo hiểm Việt Nam đã khẳng định được vai trò là một trong những “trụ đỡ” của nền kinh tế; đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và các nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ trong bảo đảm an sinh xã hội.
Lấy thí dụ, qua ba năm thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy, đây là chính sách rất đúng đắn và cần thiết nhằm hỗ trợ tài chính và ổn định sản xuất, đời sống của người nông dân. Việc bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp càng trở nên quan trọng khi hiện nay, diễn biến về thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan và khó lường.
Điển hình là tình trạng hạn hán tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; mưa đá, úng lụt, lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc... Và bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp qua thực hiện thí điểm đối với hơn 304.000 tổ chức, hộ nông dân, với tổng giá trị được bảo hiểm lên tới hơn 7.747 tỷ đồng cho thấy, đây là chỗ dựa cần thiết và hiệu quả, giúp bà con và các đơn vị, tổ chức nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất khi phải đối phó với tình huống thời tiết, thiên tai bất thường.
Tương tự, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thủy sản (tàu cá) theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 cũng đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi, bám biển. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời có thể góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với một đất nước có tới hơn 1 triệu kilômét vuông diện tích biển (gấp hơn 3 lần diện tích đất liền) như Việt Nam. Dù rằng qua thực hiện cũng còn những bất cập, tồn tại cần nhanh chóng tháo gỡ, song có thể thấy các chính sách bảo hiểm thủy sản cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.
Cùng với đó còn là việc tổ chức bảo hiểm vi mô cho người nghèo, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn con người… đã góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển an toàn và hiệu quả, trước hết các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như:
Chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm hưu trí, chính sách bảo hiểm vi mô...; nghiên cứu, xây dựng các chính sách bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử... Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuân thủ các nguyên tắc theo thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước đồng thời thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế… Đặc biệt, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm cũng như kênh phân phối; chú trọng phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội cao…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.