(HNM) - Sau 4 tháng đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) của Hà Nội đi vào hoạt động, để rõ hơn những đóng góp của người dân trong việc giám sát, cung cấp thông tin chống thực phẩm “bẩn”, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với
Qua phản ánh của người dân, các lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. |
- Xin ông cho biết, số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về các vấn đề liên quan đến ATVSTP tại Hà Nội thời gian qua có thực sự "nóng" không?
- Từ tháng 5-2016, Hà Nội chính thức công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về ATTP. Cụ thể: Số điện thoại đường dây nóng của Sở Công Thương là: 1900585826; Sở NN&PTNT: 04.33800115 và Sở Y tế: 04.39985765. Việc quản lý 3 đường dây nóng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các sở. Đây là hành động thiết thực tiếp theo việc Hà Nội công bố rộng rãi tên các cơ sở không bảo đảm ATVSTP.
Sau gần 4 tháng thiết lập đường dây nóng, các sở đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại. Thành phố cũng đã tiến hành xử lý 38 thông tin báo chí và người dân phản ánh về vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP bước đầu đạt được mục tiêu đặt ra là ngăn chặn và giải quyết việc sản xuất, lưu thông, buôn bán các sản phẩm thực phẩm không an toàn. Thực tế thời gian qua, có rất nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm ATTP là do người dân phát hiện, phản ánh.
- Các vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP được người dân phản ánh chủ yếu là gì, thưa ông?
- Hà Nội hiện có 59.109 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ngoài ra còn có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp; 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp; 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công; khoảng 1.042 điểm, hộ giết mổ nhỏ, lẻ thủ công. Hà Nội cũng có 412 chợ phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 90 siêu thị; 20 trung tâm thương mại. Với số lượng cơ sở thực phẩm quá lớn như trên dẫn đến tình hình ATVSTP vẫn là nỗi lo của nhiều người dân. Các vi phạm được người dân phản ánh tập trung ở 3 hình thức: Sử dụng phụ gia, hóa chất độc hại trong chế biến, bảo quản rau, củ, quả, thịt, cá, đồ uống, nhất là tại các điểm kinh doanh thức ăn đường phố; sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, có dư lượng hóa chất, kháng sinh cao; sản xuất buôn bán vận chuyển lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả, hàng nhái tại các chợ...
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có những vấn đề người dân bức xúc là thật nhưng vẫn có những thông tin người dân nghe được (chưa qua kiểm chứng). Chính vì vậy, cơ quan quản lý cần làm sáng tỏ các thông tin này để bà con được rõ, tránh gây hoang mang, hiểu lầm.
- Vậy sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, cơ quan chức năng giải quyết như thế nào?
- Đường dây nóng có bộ phận thường trực tiếp nhận, lĩnh vực phản ánh thuộc sở nào hoặc thuộc địa bàn quận, huyện nào thì sẽ chuyển cho đoàn thanh tra tương ứng xuống kiểm tra. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã thành lập 5 đội kiểm tra, phản ứng nhanh trong xử lý vi phạm liên quan đến ATTP. Sở NN&PTNT có 2 đội kiểm tra, Sở Công Thương có 2 đội, Sở Y tế có 1 đội phụ trách các khu vực được phân công. Các đội hoạt động trên tinh thần là nếu có phản ánh qua đường dây nóng, hoặc thông tin trên các phương tiện truyền thông phát hiện ra các trường hợp vi phạm thì các đội phản ứng nhanh sẽ xử lý trong thẩm quyền của mình. Chúng tôi rất mong nhận được nhiều hơn thông tin từ phía người dân để kiểm tra, xử lý. Sau khi kiểm tra, chúng tôi sẽ trực tiếp trả lời cho người báo thông tin bằng điện thoại hoặc văn bản.
- Trong xử lý thông tin phản ánh về vi phạm ATTP, công tác quản lý giữa các cơ quan chức năng bị chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm không, thưa ông?
- Như chúng ta đã biết, hiện có ba sở cùng quản lý về ATVSTP là: Y tế, NN&PTNT và Công Thương. Chúng ta vẫn thường nghe những ý kiến là các cơ quan hay đổ lỗi cho nhau nhưng thực tế ở Hà Nội, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý khá tốt trong xử lý các vấn đề về ATTP. Với việc thiết lập đường dây nóng, chúng tôi mong rằng, người dân phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc giám sát công tác bảo đảm ATVSTP, chung tay cùng các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề liên quan tới ATTP. Khi có sự chung tay giữa các cơ quan quản lý và người dân, chắc chắn công tác bảo đảm ATVSTP sẽ phát huy hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.