Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy vai trò đội ngũ trí thức Việt Nam

Thu Hằng| 20/09/2022 06:12

(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ, đội ngũ trí thức đóng vị trí, vai trò là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng nhu cầu phát triển và xu thế thời đại.

Nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Nano và năng lượng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chính sách còn hạn chế, bất cập

Nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ trí thức đối với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo môi trường ngày càng tốt hơn để khuyến khích phát triển đội ngũ trí thức, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 27-NQ/TƯ khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ban hành ngày 6-8-2008.

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, đội ngũ trí thức nước ta đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: Tư vấn đường lối, chính sách phát triển; số lượng các phát minh sáng chế, công trình khoa học, nghệ thuật được ghi nhận cả ở khía cạnh lý luận và ứng dụng vào thực tiễn đời sống, góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế; đóng góp vào phát triển đất nước chưa như kỳ vọng. Hiện nước ta vẫn thiếu chuyên gia đầu ngành, thiếu nhà khoa học thật sự tâm huyết với nghề; cơ chế đãi ngộ, thu hút người tài còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm…

Theo Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân, bên cạnh một số kết quả quan trọng đạt được, nhiều nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ đã không thực hiện được hoặc thực hiện ở mức độ thấp, thiếu đồng bộ, ít đột phá. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển. Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Cơ chế hành chính quan liêu và tình trạng trì trệ, hình thức, hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục.

“Chính sách ưu đãi đối với nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ cấp quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng; việc giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước cho nhà khoa học để có thể thương mại hóa, góp vốn vào doanh nghiệp còn rất khó khăn; chính sách lương cho trí thức khoa học và công nghệ, trí thức văn hóa, nghệ thuật còn bất cập và không tương xứng trong hệ thống viên chức…”, ông Nguyễn Quân cho biết.

Những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân: Môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn đối với người tài; cơ chế, chính sách và thủ tục tài chính, thu nhập đối với đội ngũ trí thức chưa thực sự phù hợp; sự quan tâm của các cấp, ngành đối với đội ngũ trí thức chưa đủ lớn, đủ tâm huyết; thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nên các chính sách phát triển đội ngũ trí thức chưa đạt kết quả như mong muốn...

Quang cảnh Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, tháng 9-2022.

Khơi thông nguồn lực

Trước thực trạng phát triển của đội ngũ trí thức và yêu cầu trong bối cảnh mới, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030.

Dự thảo chiến lược đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt, định hướng cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn tới; 2 mục tiêu tổng quát và 3 nhóm chỉ tiêu cụ thể. Chiến lược cũng đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung áp dụng cho tất cả các nhóm trí thức và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng áp dụng riêng cho một số nhóm trí thức đặc thù hướng tới phát triển đội ngũ trí thức, bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, có 3 yếu tố chính để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đó là đãi ngộ về thu nhập, môi trường hoạt động sáng tạo và sự tôn vinh. Ở nước ta, cả 3 yếu tố này đều còn rất nhiều bất cập.

“Người làm khoa học chủ yếu hưởng lương hành chính, thường là rất thấp, chưa có thu nhập từ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ. Điều kiện, môi trường và văn hóa làm khoa học chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo. Với nhiều lý do, nhà khoa học chưa được tôn trọng, phai nhạt dần lòng đam mê nghiên cứu, mất dần sự tự tin và hoài bão cống hiến. Do đó, dự thảo chiến lược cần thể hiện rõ quan điểm về đầu tư cho phát triển đội ngũ trí thức là phải tập trung đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có đầu tư cải thiện thể chế, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu ứng dụng. Từ đó, nhà khoa học mới có công trình nghiên cứu, thành tựu và sự tôn vinh, cũng như tăng thu nhập để yên tâm lao động sáng tạo”, Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.

Hiện tại, dự thảo chiến lược đang trong giai đoạn xin ý kiến các bộ, ngành... để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hy vọng chiến lược được ban hành sẽ đề ra nhiều giải pháp đột phá, nhằm khắc phục những hạn chế kìm hãm sự phát triển và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò đội ngũ trí thức Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.