(HNMO) - Thiết thực kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1987-2023), chiều 24-3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế về “Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam; khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng.
Tới dự, về phía quốc tế, có ngài Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, cùng đại diện UBND các địa phương sở hữu di sản, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn, bảo tàng, di sản…
Di sản - biểu tượng của quốc gia, dân tộc
Tại Việt Nam, từ khi phê chuẩn Công ước 1972 đến nay, đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được ghi danh, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết: “Những di sản này không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn là của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hội thảo đánh dấu quá trình hơn 35 năm Việt Nam tham gia Công ước 1972, đồng thời là dịp cùng nhau trao đổi, định hướng giải pháp nâng tầm, đẩy mạnh vai trò, giá trị của các di sản trong giai đoạn mới”.
Theo Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam giống như 8 chòm sao biểu tượng, mang dấu ấn tâm linh thiêng liêng cho quốc gia, dân tộc. “Tự hào với di sản, chúng ta cần có những cam kết hiệu quả trong bảo tồn di sản, làm sao để các khu di sản có thể kiên cường hơn, chống trả tốt hơn trước những tác động cực đoan từ thiên nhiên và con người; tối ưu hóa phúc lợi của người dân địa phương thông qua sự tham gia nhiều hơn của các cộng đồng; có giải pháp hài hòa nhu cầu về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống mà không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo tồn di sản”, ngài Lazare Eloundou Assomo nói.
“Phát triển luôn phải cân bằng với bảo tồn”
Với hai chủ đề: Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững của Việt Nam và Phát huy giá trị di sản - thực tiễn và kinh nghiệm, hội thảo đã tập trung thảo luận, phân tích những đặc thù của từng di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam; nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản…, tập trung ở những thách thức trong cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; bảo tồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát huy di sản trong môi trường số…
Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: “Giống với nhiều di sản khác, Quần thể danh thắng Tràng An cũng phải đối mặt với bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Với diện tích vùng lõi hơn 6000 ha, bao trùm trên 12 xã với hơn 20 nghìn cư dân sinh sống, quần thể danh thắng chịu “sức ép” không chỉ từ bảo đảm sinh kế cho cộng đồng dân cư, mà còn ở nhu cầu nhà ở, hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, cảnh quan làng xóm các khu dân cư mà không ảnh hưởng tới các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản”.
Trong khi đó, những thách thức của vịnh Hạ Long lại được Phó Trưởng ban quản lý Lê Minh Tân chỉ ra trong 3 nguyên nhân lớn. Đó là việc di sản tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi các tác động của thiên tai, khí hậu, trong khi nhận thức về bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống xanh chưa có chuyển biến tích cực; một bộ phận nhân lực chưa theo kịp với yêu cầu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ hội nhập.
Tại Hà Nội, bên cạnh những thuận lợi, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học phải nghiên cứu, tìm hiểu đưa ra các hướng giải quyết thận trọng và khoa học từ nhiều góc độ khác nhau”.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, để phát triển di sản văn hóa bền vững, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm phát triển cân bằng với bảo tồn. Hiện nay, nguồn tư liệu liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam còn rải rác ở nhiều nơi, trong đó có cả ở nước ngoài. Cần có cơ chế và đầu tư thích đáng tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà quản lý tiếp cận, khai thác nguồn tư liệu này, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu quả trong đời sống.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam chỉ ra, việc quản lý, phát huy các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam hiện rất bất cập, không có sự thống nhất, nơi thì thuộc UBND tỉnh, thành phố, nơi thuộc sở, nơi lại do quận, huyện… quản lý, như vậy không bảo đảm được sự đồng bộ, nhất quán trong triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhận định, quá trình tham gia Công ước 1972, đã giúp Việt Nam đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản thế giới nói riêng, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, tạo nên khuôn khổ pháp lý thích hợp cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
“Từ khi các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được ghi vào Danh mục di sản thế giới, số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Kết quả từ hội thảo sẽ đóng góp nội dung cho Hội nghị quốc tế bảo tồn và phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương sẽ diễn ra vào thời gian tới”, ông Hoàng Đạo Cương nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.