(HNM) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới với những nội dung, chỉ tiêu cụ thể.
Ông Nguyễn Sỹ Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì cho hay: Với phương châm đẩy mạnh xã hội hóa, Hội Nông dân huyện đã vận động nông dân tham gia dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp sức người, sức của làm các công trình phúc lợi của địa phương. Mô hình “nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng ngõ xóm” được nhân rộng nên trên địa bàn huyện đã hiến 4.326m2 đất, 16.360 ngày công, đóng góp xã hội hóa được 20,64 tỷ đồng. Để nâng cao đời sống nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi thành công, hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây ăn quả…
Bà Dương Thị Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động đổi mới các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội Nông dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, các cấp Hội đã chỉ đạo 100% cơ sở Hội tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giám sát việc thực hiện quy hoạch tại địa phương. Từ năm 2008 đến nay, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp hơn 4 triệu ngày công, đào đắp 2,2 triệu mét khối kênh mương nội đồng, sửa chữa 2.076km đường giao thông nông thôn, làm mới sửa chữa 1.156 cầu cống, hiến 350.000m2 đất xây dựng nông thôn mới...
Để phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới, mấu chốt là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội ở cấp cơ sở. Theo đó, cán bộ Hội không chỉ là người có uy tín tại địa phương, có khả năng vận động, tập hợp hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới mà còn nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân để có những đề xuất, kiến nghị, tham mưu cho cấp trên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương rất khó thu hút được những người trẻ, có trình độ vào làm cán bộ Hội tại địa phương. Tâm lý là hội viên nông dân, cán bộ nông dân phải là người có tuổi, làm nông nghiệp đã “ăn sâu” trong tiềm thức do đó ngay ở cấp cơ sở khi cơ cấu vào Ban Chấp hành Hội Nông dân các xã, thị trấn đều khó có thể thu hút người giỏi, có trình độ học vấn cao - ông Phạm Văn Hoạch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa trăn trở.
Theo bà Dương Thị Hằng, thu hút nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở việc hiến đất làm đường, làm sạch môi trường mà còn phải nâng lên một bước, nông dân phải chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Muốn vậy, các cấp Hội Nông dân cần kiên định mục tiêu nâng cao đời sống nông dân trên mọi mặt. Theo đó, nông dân ở những địa phương đô thị hóa mạnh sẽ được tập huấn, hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ. Ở các xã thuần nông, tiếp tục phát huy giá trị vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa theo hướng an toàn, công nghệ cao, các xã làng nghề sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Hội Nông dân các cấp cũng cần tích cực thu hút hội viên nông dân có trình độ tham gia công tác Hội tại địa phương và mở rộng hoạt động trong các ngành nghề phi nông nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.