(HNM) - Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và ngành Công an chăm lo xây dựng, giáo dục rèn luyện, được nhân dân tin yêu đùm bọc, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Bước vào giai đoạn phát triển mới, toàn lực lượng tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang, giữ vững trật tự an toàn xã hội của đất nước trong mọi tình huống.
1. Cùng với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân ra đời từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố hai Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân, chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó đến nay, ngày 20-7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân.
Gần đây, trung bình mỗi năm, lực lượng Cảnh sát nhân dân điều tra, khám phá 50.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội; 20.000 vụ phạm tội về ma túy; 34.000 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao. Tỷ lệ điều tra khám phá các loại án hình sự đạt trên 75%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%. Đặc biệt, đã chủ động phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản trị đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, 2 năm gần đây, hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay trong thời bình, máu của các chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đổ cho sự bình yên của cuộc sống. Chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đến nay, đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh và hơn 1.000 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Cùng với những hy sinh xương máu, còn có vô vàn những cống hiến, hy sinh thầm lặng để thực hiện lẽ sống cao cả “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”.
2. Quá trình công tác, chiến đấu đã hun đúc nên bản chất cao quý, tốt đẹp và truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đó là truyền thống: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; đoàn kết thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; bản lĩnh, văn hóa, nhân văn; mưu trí, dũng cảm, sắc bén về nghiệp vụ, chắc chắn về pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các cấp, ngành và hợp tác quốc tế sâu rộng; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác hiệu quả; tận tâm cống hiến, tận tụy phục vụ, sẵn sàng hy sinh vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang, bảo đảm an ninh trật tự của đất nước trong mọi tình huống. Trong đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TƯ ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Toàn lực lượng sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.... Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, tăng cường phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại…
Làm nhiệm vụ ở địa bàn trọng yếu, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhìn nhận, lực lượng Cảnh sát Công an Thủ đô đang không ngừng tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí, dũng cảm, cương quyết, khôn khéo, tích cực phòng ngừa, chủ động tiến công kẻ địch và tội phạm. Không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ và năng lực công tác; tiếp thu vận dụng sáng tạo, hiệu quả thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ.
Theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thời gian tới, dự báo tội phạm xuất hiện đa dạng, phạm vi hoạt động rộng hơn và phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, diễn ra nhanh hơn. Do đó, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát nhân dân phải tiếp tục đổi mới tư duy, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác... Qua đó lập nhiều chiến công trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với danh hiệu “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.