Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Hà Nội đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điểm, như: Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người; nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học...
Việc triển khai có hiệu quả nhiều mô hình điểm này đã góp phần thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người quản lý, người tiêu dùng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhiều mô hình tạo hiệu ứng tốt
Từ năm 2018, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được triển khai thí điểm tại 8 quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng, với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đến nay, sau khoảng 7 năm triển khai, Hà Nội đã xây dựng và duy trì 20 tuyến phố an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát tại 16 quận, huyện, thị xã và có tới 873 cơ sở kinh doanh tham gia.
Thức ăn đường phố được xem như là một nét đặc trưng trong ẩm thực Việt. Thế nhưng, đa phần các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đều có quy mô nhỏ lẻ, không được cấp giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Vì vậy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khẳng định, việc triển khai mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” góp phần hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm và giúp người tiêu dùng có địa chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh. Đến nay, các tuyến phố được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan môi trường lẫn ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mô hình "Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người" được duy trì tại 440 xã, phường, thị trấn thuộc 20 quận, huyện, thị xã. Đồng thời, mô hình "Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học" cũng được triển khai tại 20 bếp ăn tập thể trường học ở 10 quận, huyện. Công tác triển khai mô hình đã nhận được sự đồng thuận của các cấp, ngành và nhà trường, cơ sở kinh doanh thực phẩm và đặc biệt được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh học sinh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã tổ chức 8 lớp truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho 350 người là ban giám hiệu, đại diện đơn vị cung cấp suất ăn, người trực tiếp tham gia sơ chế, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đại diện hội cha mẹ học sinh; tổ chức 1 đợt giám sát định kỳ tiến độ duy trì thực hiện mô hình tại 12 trường ở 10 quận, huyện.
Kết quả giám sát cho thấy, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Cùng với đó, các trường đều nghiêm túc trong việc công khai Bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và danh sách nguồn gốc thực phẩm. Đặc biệt, các trường đã chủ động kiểm soát nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong các bếp ăn tập thể và công khai các đơn vị được lựa chọn.
Đẩy mạnh vai trò của cấp xã, phường, thị trấn
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của lãnh đạo các quận, huyện, thị xã triển khai mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố biến động thường xuyên, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Hơn nữa, một số cơ sở chưa có ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, còn chạy theo lợi nhuận kinh doanh, hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc việc lưu giữ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ chưa được duy trì thường xuyên. Cùng với đó, cán bộ chuyên trách công tác an toàn thực phẩm tại các phường, xã còn thiếu, thay đổi thường xuyên dẫn đến khó khăn trong việc rà soát, quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Từ thực tế trên, theo lãnh đạo Sở Y tế, thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm theo kế hoạch được phê duyệt. Cùng với đó, đẩy mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với việc triển khai các mô hình điểm nêu trên. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong đó tập trung lấy mẫu nguyên liệu, các sản phẩm để đánh giá nguy cơ nhằm đưa ra biện pháp dự phòng về phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Riêng đối với mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhận định, khi Hà Nội có thêm nhiều tuyến phố như vậy không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống, nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại. Vì vậy, thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát sẽ tiếp tục được tăng cường. Lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí có thể thu hồi biển “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát” đối với cơ sở có vi phạm, không bảo đảm tiêu chí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.