Với xu thế phát triển của xã hội, việc tổ chức tiệc hiếu, hỷ tại cộng đồng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Song vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn luôn cần sự quan tâm, chung tay của các tổ chức, cá nhân cũng như sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Giám sát chặt chẽ từ cơ sở
Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã duy trì mô hình kiểm soát hoạt động đãi tiệc tập trung đông người ở 100% xã, thị trấn, với tổng số 2.297 sự kiện được giám sát. Huyện cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó đã có 186 bài truyền thanh về an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người phát trên hệ thống loa các xã, thị trấn. Ngoài ra, các tổ giám sát tư vấn, giám sát 100% bữa ăn do gia đình tự nấu đãi tiệc đông người; tổ chức tư vấn, hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại những gia đình tổ chức ăn uống tập trung đông người, yêu cầu chủ hộ ký cam kết về an toàn thực phẩm tại 2.297/2.297 bữa ăn.
Tương tự, để thực hiện tốt việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong các hoạt động này, huyện Thanh Oai chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn thành lập, duy trì hoạt động của Tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm, từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đến chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản, vận chuyển thức ăn. Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Đỗ Thế Anh cho biết: "Xã đã chỉ đạo các thôn đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các hộ gia đình ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua giám sát, đa số các hộ gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người đã có ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất sạch sẽ, dụng cụ nấu nướng bảo đảm theo quy định. Cùng với đó, nơi nấu ăn được phân khu riêng biệt, tách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín".
Là một trong những hộ vừa tổ chức đám cưới cho con gái, bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, gia đình bà nhập thực phẩm từ các cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Gia đình cũng phải thuê 3 tủ lạnh cấp đông để bảo quản sản phẩm qua đêm và đối với những thực phẩm khác đều phải nấu vào buổi sáng sớm để bảo đảm chất lượng và không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Chú trọng khâu kiểm tra
Việc tổ chức những bữa cỗ tập trung đông người tại gia đình, cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm tại gia đình thường không bảo đảm; những người tham gia chế biến thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm... Chưa kể, các món ăn được bày biện ra bàn thường không được che đậy, nguy cơ nhiễm khuẩn do bụi và côn trùng rất cao. Ngoài ra, các bữa tiệc tập trung đông người có không gian chật hẹp là điều kiện thích hợp cho các tác nhân gây ô nhiễm thực phẩm cho thức ăn.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa ăn tập trung đông người, cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động và các tổ chức, cá nhân đặt tiệc cần thực hiện tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Bùi Xuân Long cho biết, nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, trạm đã phối hợp với lãnh đạo xã thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các gia đình về an toàn thực phẩm; yêu cầu các gia đình khi tổ chức sự kiện, bố trí một người chịu trách nhiệm chính chỉ đạo, giám sát hoạt động chế biến, phục vụ ăn uống. Theo đó, các gia đình cần kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm; điều kiện vệ sinh môi trường khu vực chế biến; nguồn ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến thực phẩm; bố trí riêng biệt các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm, phục vụ ăn uống…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong thời gian tới, huyện triển khai hiệu quả mô hình kiểm soát bữa ăn tập trung đông người tại 23 xã, thị trấn; mô hình tuyến phố văn minh tại thị trấn Liên Quan, xóm chợ xã Đại Đồng; mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại thị trấn Liên Quan; rà soát các dịch vụ cung cấp tiệc, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tổ chức bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cho người nấu ăn. Các tổ giám sát của các xã đến các hộ tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tiêu chí an toàn thực phẩm, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tại các hoạt động ăn uống tập trung đông người.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn đông người trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là đối với các cơ sở cung cấp tiệc hiếu, hỷ lưu động; huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương từ xã tới thôn và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.