(HNM) - Với hơn 4,5 triệu người đang sống, học tập và lao động tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực hướng về Tổ quốc.
Những cộng đồng đoàn kết, hướng về quê hương
Với chủ đề "Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, sinh hoạt cộng đồng NVNƠNN", hội thảo do Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN - Bộ Ngoại giao tổ chức, là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình Xuân Quê hương 2016. Hội thảo quy tụ đông đảo lãnh đạo các tổ chức, hội đoàn trong cộng đồng NVNƠNN đến từ 25 quốc gia trên thế giới. Mỗi đại biểu đều mang theo những tâm tư, tình cảm, những chia sẻ kinh nghiệm thực tế hoạt động trong các tổ chức, hội đoàn của cộng đồng NVNƠNN. Trong số hàng chục tham luận chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc cho biết, tại Séc có khoảng 65 nghìn người đang sinh sống, lao động và học tập. Cộng đồng người Việt tại đây được các nhà lãnh đạo Séc đánh giá là cần cù, chịu khó, hội nhập tốt với nước sở tại và có nhiều đóng góp cho xã hội Séc. Tháng 7-2013 Chính phủ Séc công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt nói riêng và cộng đồng người Việt tại Séc nói chung là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này.
Các đại biểu tham dự hội thảo tại Hà Nội ngày 30-1. |
Ông Phan Quốc Lợi, Tổng Thư ký Hội Người Việt Nam toàn Thái Lan chia sẻ, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan đã phát triển không ngừng cả về tổ chức lẫn hoạt động. Từ các hội nhỏ hoạt động không chính thức, đến nay đã có các Hội người Việt Nam tại 9 tỉnh lớn và Hiệp hội doanh nhân được chính quyền Thái Lan cấp giấy phép hoạt động. 13 Hội khác tại các tỉnh có ít kiều bào cũng đã được thành lập. Năm 2012, Tổng hội Người Việt Nam đã chính thức được cấp phép hoạt động tại Thái Lan, đánh dấu bước trưởng thành lớn về tổ chức; tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần hữu nghị quốc tế trong thời kỳ hội nhập.
Nhiều tâm tư, kiến nghị thiết thực
Hội thảo là dịp để chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, kiến nghị chính sách và biện pháp để duy trì, phát huy các hoạt động, sinh hoạt nhằm gắn kết cộng đồng, thu hút được nhiều lớp trẻ tham gia, giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt. Ông Trần Việt Hùng mong Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp hơn nhằm xóa bỏ sự phân biệt về quyền lợi giữa người Việt Nam ở trong nước với NVNƠNN, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông Hùng, Nhà nước cần có chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho các công ty, tổ chức và cá nhân đầu tư trở lại vào nước sở tại để cắm rễ, bám trụ lâu dài, từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho bà con NVNƠNN, góp phần ổn định cộng đồng để hội nhập và phát triển.
Ông Bùi Ngọc Châu, đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ chia sẻ, với đặc điểm cộng đồng sống rải rác, nhiều thành phần khác nhau, mỗi người một nghề, việc nâng cao hoạt động các hội đoàn tại Thụy Sĩ gặp nhiều khó khăn. Để tạo cơ hội gặp mặt, các hội đoàn tại đây đã tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt thuần túy theo nguyện vọng của bà con. Tuy nhiên ông Châu mong muốn Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN cần hỗ trợ kinh phí để tổ chức dạy tiếng Việt cho con em; tổ chức các đoàn biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa vào những dịp lễ lớn của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Vũ Hồng Nam cho biết, cùng với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng, các tổ chức hội đoàn của NVNƠNN được hình thành từ rất sớm và đến nay đã phát triển mạnh cả về số lượng, địa bàn với nhiều hình thức, nội dung hoạt động phong phú. Các tổ chức, hội đoàn của NVNƠNN đang ngày càng phát huy, thể hiện được vai trò của mình trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước. Vì thế, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam mong rằng cộng đồng NVNƠNN cần nâng cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết gắn bó để đóng góp vào sự phát triển của nước sở tại cũng như hướng về Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.