Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy quyền dân chủ ở cơ sở

Tiến Thành| 16/08/2022 06:12

(HNM) - Thông qua khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về dân chủ ở cơ sở do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức vừa qua đã cho thấy, thành phố luôn chú trọng thực hiện tốt, phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống xã hội, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Cử tri phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) phát biểu tại buổi khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về dân chủ ở cơ sở của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Thực hiện hiệu quả ở các cấp đơn vị, doanh nghiệp

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức 585 hội nghị, tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát trên 1,3 triệu tài liệu pháp luật cho nhân dân để tuyên truyền những quy định mới liên quan đến dân chủ, dân sinh…

Cũng trong thời gian này, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 2.563 cuộc giám sát, phát hiện 167 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý 162 vụ; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.360 vụ, phát hiện và kiến nghị các cơ quan xử lý 42 vụ... Qua 6 tháng trên địa bàn thành phố, cấp huyện đã tổ chức 41 hội nghị đối thoại đột xuất, 4 hội nghị đối thoại định kỳ; cấp xã tổ chức 87 hội nghị đối thoại định kỳ và 261 hội nghị đối thoại đột xuất.

Thượng tá Hoàng Ngọc Quyết, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, tháng 6-2022, Công an quận đã tiến hành đối thoại với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về biện pháp bảo đảm 3 mục tiêu giảm (giảm thời gian, giảm thủ tục, giảm chi phí) trong giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua hội nghị, các ý kiến đóng góp giúp Công an quận hoàn thiện quy trình nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Thực tế tại địa bàn, nhờ quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền, vận động, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) Phan Xuân Sửu cho biết, hiện nay trên địa bàn thôn nhân dân có tinh thần tự giác rất cao, mọi việc đi vào nền nếp, hạn chế rất nhiều áp lực cho ban lãnh đạo ở thôn. “Điển hình là công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng góp ủng hộ các quỹ. Đặc biệt vừa qua, 100% cử tri trong thôn tham gia bỏ phiếu bầu trưởng thôn nhiệm kỳ mới”, ông Phan Xuân Sửu nói.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp đã và đang được áp dụng, thực hiện sâu rộng. Phó Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH INOAC Việt Nam Trần Thị Thu Quỳnh cho biết, những quy định về dân chủ ở cơ sở đều được doanh nghiệp tuân thủ, tạo sự đồng thuận, giảm bớt những mâu thuẫn có thể xảy ra giữa người lao động và chủ doanh nghiệp nước ngoài, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tiếp tục tăng cường thực hiện

Là địa bàn đặc thù từ “huyện lên quận, xã lên phường”, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai cho rằng, với địa bàn rộng lớn, gia tăng dân số cơ học nhanh, thành phần dân cư phức tạp nên không ít người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng… Đồng thời, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cấp phường hoạt động kiêm nhiệm nên còn hạn chế trong tham mưu, đôn đốc, tổ chức thực hiện.

Để thực hiện tốt Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tiến tới hoàn thiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho rằng, cần tăng cường xem xét, giải quyết và trả lời kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân hoặc báo cáo với cấp trên về những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết. Cùng với đó là bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng…

Còn ông Dương Văn Huân (tổ dân phố Đống 2, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, cần linh hoạt các hình thức công khai thông tin tại phường, xã, thị trấn đối với địa bàn đặc thù để phù hợp với điều kiện của cơ sở; thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả loại hình cơ sở nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức này và có chế tài xử lý việc lợi dụng dân chủ ở cơ sở để gây mất trật tự an toàn xã hội.

Thông qua hoạt động khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, là động lực mới thúc đẩy thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. “Các buổi khảo sát đã mang lại góc nhìn khách quan về công tác triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó giúp các đại biểu Quốc hội thành phố nghiên cứu để tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV sắp tới”, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy quyền dân chủ ở cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.