(HNM) - Những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng Thủ đô, ngoài những yếu tố như phát triển kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ… thì xây dựng môi trường văn hóa giữ vai trò đặc biệt quan trọng...
Lợi thế về văn hóa của Thủ đô là vốn quý đã được cha ông gây dựng từ hàng nghìn năm nay. Nền tảng văn hóa vững vàng bao giờ cũng tạo ra lợi thế so sánh, đặc biệt là khi mục tiêu phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu như hiện nay. Hà Nội, sau ngày mở rộng địa giới hành chính có khoảng 5.000 di tích, nhiều nhất so với 62 tỉnh, thành phố bạn. Di sản văn hóa vật thể rải khắp Thủ đô, tính cụ thể thì khoảng gần một nửa số này nằm trên địa bàn Hà Nội cũ, chừng gần 200 di tích thuộc đất Mê Linh và 4 xã huyện Lương Sơn mới chuyển về, số còn lại nằm ở khu vực Hà Tây (cũ). Xét về phân cấp, có khoảng 1% là di tích cấp quốc gia, 10% là di tích cấp thành phố. Điều đáng kể nữa là hệ thống bia tiến sĩ ở Văn Miếu và Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nay đã là di sản thế giới.
Hơn chục năm qua, suốt quãng thời gian chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả nước đã cùng Thủ đô làm nhiều việc thiết thực, góp phần phát triển văn hóa Thăng Long. Giờ nhìn lại, mỗi lúc một thấy rõ những công trình di sản vật thể như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành cổ Hà Nội, Thăng Long tứ trấn, Thư viện Hà Nội, Làng cổ Đường Lâm, Bảo tàng Hà Nội… không chỉ làm cho thành phố thêm đẹp, chúng còn là những trường học lớn đích thực, góp phần cung cấp kiến thức giáo dục con người về lịch sử, truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Nhưng Hà Nội, xét về lĩnh vực văn hóa thì còn những thứ quý giá khác, ngoài giá trị vật thể và nếp ăn ở, ứng xử thanh lịch, văn minh. Như những di sản phi vật thể có tính nổi bật, đến giờ vẫn còn được lưu giữ qua văn chương, thơ phú và trong cộng đồng. Ca trù Lỗ Khê, Thượng Mỗ; rối nước Đào Thục, Đồng Vàng; tuồng Xuân Nộn, Dương Cốc… Theo số liệu thống kê, trên đất Thủ đô hằng năm diễn ra khoảng hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó có những lễ hội lớn vào hàng nhất nước như Lễ hội Cổ Loa, đền Sóc, chùa Hương. Hà Nội hiện còn hơn 1.000 làng nghề, chừng gần 1/4 số này được công nhận làng nghề truyền thống. Vốn di sản phi vật thể của Hà Nội vừa dồi dào vừa mang đặc trưng riêng, mà tiếng tăm một số đã vượt ra ngoài biên giới, như Hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, nghệ thuật Ca trù đã được UNESCO vinh danh trên phạm vi toàn cầu.
Lợi thế ấy, mấy nơi có được?
Cần có tổng thể và những giải pháp cụ thể
Hà Nội đã qua một cơ hội lớn để thúc đẩy việc phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bài bản và hiệu quả hơn. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất nhiều chương trình bảo tồn, phát triển du lịch dựa trên thế mạnh đặc trưng về văn hóa, mở tour du lịch gắn với di sản… đã được khởi động, nhưng chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng. Việc khảo sát tour "Hành trình qua các kinh đô Việt cổ", ít nhất là với các điểm dừng chân Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế được tiến hành đã vài ba năm, đến nay chưa rõ kết cục thế nào. Những ý tưởng liên kết vùng, kết hợp di tích, làng nghề, nghệ thuật truyền thống nhằm mở hướng tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội chưa được quan tâm đầy đủ.
Việc kết hợp giữa du lịch và văn hóa có thể giải quyết nhiều điều, miễn là được thực hiện bài bản, rõ trọng tâm, làm gì dứt điểm việc đó, có sự tham vấn của các chuyên gia đầu ngành nhằm tránh khả năng gây hại cho di sản, làm biến dạng nó. Thời gian gần đây, Hà Nội đã có một số dự án khôi phục làng nghề truyền thống, lễ hội, nghệ thuật dân gian rất đáng chú ý, như lễ hội Chạy lợn, hát Dô, múa Bài bông, giấy sắc Nghĩa Đô... Lý thuyết và thực tế đều chỉ ra rằng, những gì được khôi phục có nguy cơ mai một nếu không có giải pháp đưa chúng vào đời sống một cách rõ ràng. Chẳng hạn như dòng họ Lại nổi danh với nghề làm giấy sắc phong hơn 3 thế kỷ qua, giờ hầu như không còn người rành rẽ công đoạn làm loại giấy đặc biệt này. Những ý tưởng khôi phục làng nghề đã được triển khai trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề đặt ra là giấy sắc Nghĩa Đô, từng được chuyên gia Nhật Bản coi là "loại giấy tốt nhất", sẽ được ứng dụng trong đời sống thế nào, một khi việc khôi phục thành công. Có cách gì để làng nghề có tên trên bản đồ du lịch? Có cách nào để loại giấy này được chọn dùng khi cần giấy làm bằng khen, giấy khen…?
Di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống ở Hà Nội không thiếu, cái thiếu lúc này có lẽ là một chiến lược khai thác hiệu quả - khác hẳn một tập hợp ý tưởng rời rạc hoặc thực hiện theo lối mạnh ai nấy làm. Nói vậy là bởi trong thời gian qua, như trong lĩnh vực du lịch, nhiều tour du lịch đã được mở, dưới cái mác "du lịch kết hợp di sản" nhưng phần lớn là tour "tự mở" của các đơn vị lữ hành riêng lẻ. Một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có xu hướng lập tour đơn giản, đưa khách qua Hà Nội, như người ta nói là "trở ra Tháp Bút, trở vào Hồ Gươm", ít nơi bỏ công khảo sát, tuyển hướng dẫn viên có hiểu biết đầy đủ về văn hóa Hà Nội hay phối hợp với bộ phận quản lý các điểm đến quan trọng. Cách du lịch "đến, ăn, ngủ, chơi, mua sắm rồi về" như thường thấy hiện nay cần phải được thay đổi bằng cách mở thêm những chương trình bao hàm yếu tố khám phá, tìm hiểu, học tập, điều không chỉ giúp ngành du lịch thu hút khách, mà còn thúc đẩy sự tự hoàn thiện ở các điểm đến, tạo ra sản phẩm mới.
Trong tương lai, cần phát huy tốt hơn nữa giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội. Kinh nghiệm tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, phần nào đó là Thừa Thiên Huế cho thấy, nếu có chiến lược phát huy thế mạnh đặc trưng thì hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Với Hà Nội mai này, nếu không tận dụng được nguồn di sản văn hóa dồi dào nhất nước, hẳn chúng ta phải tự trách mình trước hết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.