Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy lợi thế

Quỳnh Anh| 04/10/2020 06:05

(HNM) - Ở nước ta, cửa hàng tạp hóa là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến nhất và là kênh bán lẻ truyền thống có số lượng, doanh thu, vị trí vững chắc trên thị trường phân phối. Tính tới nay, mô hình kinh doanh này đã đạt con số 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa trên cả nước, chiếm 78% thị phần trong cơ cấu bán lẻ của hàng Việt Nam.

Thời gian qua, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu mua sắm thời hiện đại. Dù vậy, các cửa hàng tạp hóa vẫn có chỗ đứng nhất định nhờ vào những lợi thế sẵn có, đặc biệt là khả năng thỏa mãn thói quen mua sắm gần nhà, tiện lợi và nhanh chóng. Bên cạnh đó, kênh bán hàng này còn len lỏi đến từng ngõ, ngách với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ cùng giá bán cạnh tranh, sự phục vụ tận tình nên luôn tạo được sức hút đối với người tiêu dùng.

Dù vậy, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, vẫn còn một số cửa hàng tạp hóa vì lợi nhuận trước mắt đã cố tình bán hàng hết thời hạn sử dụng cho khách; nhận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ; bảo quản hàng hóa không đúng quy định... 

Với dân số gần 100 triệu người, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn. Để chiếm lĩnh thị trường này, các doanh nghiệp trong nước cần đa dạng kênh phân phối hàng hóa, trong đó chú trọng tới các cửa hàng tạp hóa - vốn là kênh mua sắm quen thuộc, chủ yếu của đa số người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Muốn vậy, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết, chia sẻ lợi nhuận giữa người sản xuất và người bán hàng, tăng cường hỗ trợ cửa hàng tạp hóa thông qua việc duy trì, hỗ trợ mở rộng hình thức bán hàng, thiết bị bảo quản, nâng cấp cửa hàng về trang trí trưng bày, hướng dẫn kỹ năng giới thiệu sản phẩm mới; cung cấp hàng hóa với chất lượng ổn định, giá cả hợp lý. Đặc biệt, phải xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, bởi uy tín, thương hiệu chính là “chìa khóa” giành được niềm tin của cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng.

Về phía các cửa hàng tạp hóa, để tiếp tục giữ được vị trí “thống trị” của mình, đã đến lúc phải khắc phục triệt để những tồn tại, đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế, luôn có thái độ phục vụ tốt, tự trang bị thêm kiến thức, cập nhật, ứng dụng công nghệ trong quản lý kinh doanh. Trong đó, quan tâm tiếp cận với xu hướng bán hàng hiện đại, kết hợp cả bán hàng trực tiếp với trực tuyến; chú trọng yếu tố hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh và có nguồn gốc rõ ràng thông qua việc hợp tác chặt chẽ, trực tiếp với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp uy tín. Từ đó, hình thành sự gắn kết chặt chẽ, đồng hành lâu dài, tạo ra chuỗi sản xuất - cung ứng hàng tiêu dùng, góp phần giảm giá thành sản phẩm, cũng như đưa ngày càng nhiều hàng hóa Việt Nam chất lượng cao đến tận tay người dân.

Về phía ngành Công Thương và chính quyền các địa phương, cần xây dựng cơ chế kết nối các cơ sở sản xuất trong nước, doanh nghiệp bán lẻ mạnh với hệ thống cửa hàng tạp hóa, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cửa hàng tạp hóa, doanh nghiệp phân phối làm ăn chộp giật, cạnh tranh không lành mạnh, bán hàng không bảo đảm chất lượng...

Tận dụng, phát huy tối đa lợi thế của các cửa hàng tạp hóa sẽ là cách thức hữu hiệu thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển thị trường. Qua đó, vừa giúp doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, phân phối, vừa phát triển mạng lưới cửa hàng tạp hóa, góp phần tạo nên sức mạnh của ngành bán lẻ Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.